Đình làng là biểu tượng truyền thống của làng xã Việt Nam. Đình được hình thành ở Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ như một nhu cầu tất yếu về văn hóa, tín ngưỡng của những lưu dân người Việt trong buổi đầu khai hoang, lập ấp. Di sản kiến trúc đình như một “nhân chứng” cho lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố, phản ánh nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc dân gian, giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đình trở thành biểu tượng của niềm tin và sự gắn kết cộng đồng, là khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no và hạnh phúc ở vùng đất mới. Trong tâm trí của nhiều người con lớn lên từ những miền thôn quê dân dã, đình làng gợi lên những kỷ niệm về tuổi thơ, là sự bình dị của quê hương, nơi đó có gia đình, bè bạn, có những tháng ngày dịu êm đáng nhớ. Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay trở thành chốn thị thành từ những thôn làng của tỉnh Gia Định, cho nên đến nay cũng gìn giữ được khoảng hơn 300 ngôi đình sau hơn 300 năm hình thành và phát triển. Theo dòng chảy của thời gian và sự phát triển đô thị, vai trò và vị trí của đình dần mai một trong xã hội hiện đại, do vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm.
Ngày 23/11/2021, Sở Văn hóa và Thể thao; Hội Di sản văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá việt Nam và tọa đàm: “Bảo tồn và phát huy giá trị đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh” với mục đích gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý về việc bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng; đồng thời, đề ra những giải pháp góp phần bảo tồn và và phát huy giá trị của đình làng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sự quan tâm, tham dự và trao đổi của những nhà nghiên cứu, nhà quản lý, Ban trị sự, Ban qúi tế đình,… đã khái quát về lịch sử, kiến trúc, vai trò, giá trị của đình làng trong đời sống cộng đồng; là kinh nghiệm, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng trong xã hội đương đại, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy giá trị đình làng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Qua các nội dung trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của đình làng trong đời sống văn hóa cộng đồng với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Đình làng không chỉ là nơi thờ vị Thần Thành Hoàng của làng mà còn là nơi hội họp để giải quyết việc làng, nơi tổ chức hội hè, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã người Việt đã có từ lâu đời. Đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh hầu hết đều được kiến lập từ lâu đời, có tuổi thọ trên 100 tuổi, có đình hơn 300 tuổi.
Giá trị văn hóa của đình làng gồm cả giá trị văn hóa vật thể là ngôi đình với kiến trúc nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc riêng của kiến trúc đình Nam bộ. Kiến trúc đình làng vừa rất đơn giản, gần gũi với những nếp nhà xưa cũ của người dân vừa chứa đựng nghệ thuật điêu khắc cầu kỳ, độc đáo. Bộ mái lợp ngói rộng lớn, rêu phong, góc mái nhọn như nhắc lại việc sử dụng các công cụ thời khai hoang nên đã được trang trí đẹp mắt. Đình không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, những ước vọng của người dân gửi gắm qua từng đường nét kiến trúc, chạm khắc. Bên trong đình có các cột gỗ lớn với các bức bao lam, hoành phi, liễn đối chạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) cùng các con thú có mặt trên vùng đất Nam Bộ và nhiều họa tiết tinh xảo như mây, hoa, lá… thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống thanh bình, no đủ.
Đối với vùng đất Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đình làng luôn mang trong mình sự đa dạng và phong phú nhất định nhưng luôn thống nhất trong nền văn hóa chung của dân tộc. Đình trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã, là một trong những thiết chế quan trọng và là ngôi nhà cộng đồng, nơi thờ các vị thần bảo vệ làng. Đình làng đã thấm sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi người dân, góp phần rất lớn vào giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, là biểu tượng của niềm tin và sự gắn kết cộng đồng, là khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no hạnh phúc ở vùng đất mới, là cơ sở tập hợp, nuôi giấu cán bộ, là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là nơi tập hợp Nhân dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia cách mạng. Song song những giá trị của di sản vật thể, đình làng còn lưu giữ giá trị văn hóa phi vật thể là phong tục thờ cúng Thần Thành Hoàng cùng các vị thần thánh khác – và đó chính là chương trình lễ hội cúng Thần – Lễ Kỳ Yên. Đình làng là nơi thể hiện rõ nhất lối sinh hoạt gắn bó mang tính cộng đồng bền chặt của người dân Việt. Điều đó thể hiện từ trong quá trình xây dựng ngôi đình. Để xây dựng một ngôi đình, người dân địa phương phải hợp sức góp công, góp của để dựng đình trong thời gian kéo dài nhiều năm liền. Họ chia nhau thành từng tốp thợ, mỗi tốp được phân công một phần việc nhất định. Họ cùng nhau làm việc, cùng ra sức trổ tài rồi chuyện trò, đối đáp, sẻ chia… Tình làng nghĩa xóm cũng từ đó mà bền chặt, thắm đượm hơn.
Nói về thực trạng hiện nay, các đại biểu cho rằng, song song những ưu điểm, giá trị của đình làng trong đời sồng cộng đồng, đình làng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đứng trước những khó khăn, thách thức khi các ngôi đình đang ngày càng có dấu hiệu xuống cấp, chưa được kịp thời tu bổ hoặc tu bổ tạm thời không theo quy định, làm biến dạng di tích, “bê tông hoá” di tích. Một số công trình bị phá đi xây mới hoặc thay bằng những công trình khác là những ví dụ về cách ứng xử không phù hợp với di sản. Do quá trình đô thị hóa, một số đình đã bị thu hẹp không gian, mặt bằng khá chật hẹp. Vấn đề đặt ra là cần xem xét và có giải pháp hợp lý giữa bảo tồn và phát triển. Sự lấn chiếm không gian di tích của các khu vực dân cư xung quanh đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các ngôi đình. Không gian đình bị thay đổi, đình làng đang mất dần công năng quan trọng vốn có. Tài liệu hiện vật và ngay cả sắc thần của một số đình đã không còn giữ được do quá trình bảo quản hệ thống lưu trữ thông tin di tích chưa hiệu quả mà phương pháp xây dựng dựa theo kinh nghiệm là chủ yếu; hồ sơ kỹ thuật như bản vẽ hay ghi chép chi tiết về kỹ thuật thi công hay mô tả về các thay đổi về kiến trúc lưu trữ chưa đầy đủ,… gây khó khăn cho công tác tuyên truyền phát huy giá trị của đình. Đặc biệt, kinh phí cho các hoạt động của đình còn hạn hẹp không đủ để thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản của đình làng.
Tại toạ đàm, các đại biểu đã đề ra nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng. Trong đó có những vấn đề như: Xây dựng quy chế quản lý chung, đồng bộ về di sản văn hóa đình làng, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ đồng thời phải chuẩn hóa thông tin về di tích đình làng. Đề cao vai trò của cộng đồng dân cư và xác định đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị; công tác bảo tồn không nên là công việc riêng của các nhà chuyên môn mà cần có sự tham gia của cộng đồng. Việc tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản cần được khẳng định là điều kiện tiên quyết. Đưa đình làng hòa nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân, ưu tiên tổ chức các hoạt động mang tính cố kết cộng đồng nhằm nâng cao giá trị đình làng vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực vững về chuyên môn, có tâm huyết và trách nhiệm; tổ chức các lớp trang bị kiến thức về văn hóa đình làng, về công việc bảo tồn di tích cho tất cả cán bộ ngành văn hóa ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Ban quản lý các đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trùng tu, tôn tạo di tích dựa trên cơ sở phục chế những giá trị từ nguyên bản. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tu bổ di tích đình làng vì công tác trùng tu, tôn tạo đình làng còn bao hàm ý nghĩa lớn hơn đó là nghiên cứu giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích. Quan tâm đến việc phục hồi không gian văn hóa đình làng, khai thác các lễ hội tiêu biểu trở thành di sản phi vật thể. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho người dân địa phương về việc bảo tồn, phát huy giá trị của đình làng: Thực hiện biên soạn các nội dung giới thiệu giá trị của di tích đến các cơ quan, đơn vị, quần chúng nhân dân hoặc đưa vào cẩm nang du lịch của các quận huyện, thành phố Thủ Đức; tập hợp các đình vào ngôi nhà chung sinh hoạt, giao lưu, tuyên truyền, định hướng hoạt động; Xây dựng cơ sở dữ liệu của các đình làng góp phần cho việc tiếp cận các thông tin về đình làng được nhanh chóng và chính xác. Tăng cường sự giám sát kịp thời đối với tình trạng của đình làng, đặc biệt là vai trò của cộng đồng địa phương vì lịch sử đã chứng minh rằng trước khi ra đời những lý thuyết bảo tồn và sự tham gia của các cơ quan chuyên môn trong công tác bảo tồn thì người dân địa phương đã giữ gìn khá tốt đình làng trong hàng trăm năm.
Bài và ảnh: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh