Hệ thống Cảng Sài Gòn
Cảng nhà Rồng là một phần của Cảng Sài Gòn do hãng Messageries Impérials xây dựng năm 1862, mặt sông ở đây rộng, tàu dài 300m có thể quay đầu được, chiều sâu đo được 8m khi mức nước trung bình, khi thủy triều lên có thể lên đến 10m, đảm bảo cho tàu 3000 tấn có thể vào được. Năm 1864, Nhà Rồng (Hotel de Mesageries), 3 cầu tàu từ Nhà Rồng chạy về hướng Tân Thuận dài 350m được xây dựng xong. Năm 1899, số tàu cập bến ngày càng nhiều, các cầu bằng gỗ không đáp ứng được, hãng Messageries Impérials đổi tên thành Công ty Messageries Impérials, xây dựng hai cầu tàu bằng cốt sắt dài 41,25m, rộng 8m, mỗi tàu cách nhau 18,75m nối liền với bờ bằng cầu phao rộng 10m. Đến năm 1930 hai cầu này hư nặng và được xây dựng lại bằng bê tông cốt sắt dài 420,2m.
Đến thập niên 50 của thế kỷ XX, Cảng Sài Gòn (không kể quân cảng) chia ra thành 3 phần:
- Hải cảng Sài Gòn dài 4.000m nằm ở hữu ngạn sông Sài Gòn kể từ ranh giới quân cảng (bến đò Thủ Thiêm – đầu đường Hai Bà Trưng) gồm 3 đoạn:
– Từ ranh giới quân cảng tới vàm rạch Bến Nghé (nay là đường Tôn Đức Thắng) có 3 cầu tàu dài 81m, 64m và 43m để tàu thuyền chạy đường sông sử dụng.
– Từ rạch Bến Nghé đến Kinh Tẻ (dọc đường Nguyễn Tất Thành) có 2 bến: Nhà Rồng (dài 380m với 3 cầu tàu) và Khánh Hội (dài 1032m với 9 cầu tàu).
– Trên sông có 21 phao neo tàu (5 phao bên phải và 16 phao bên trái).
- Hải cảng Nhà Bè nằm trên sông Nhà Bè cách Sài Gòn 16km, giành cho tàu thuyền chở hàng dễ cháy và dễ nổ, có 5 cầu tàu cho tàu chở dầu đậu và 3 phao neo tàu.
- Giang cảng Sài Gòn – Chợ Lớn dài 26.500m nằm trên các rạch Tàu Hũ, Lò Gốm, Kinh Tẻ, Kinh Đôi…
Kho hàng gồm 7.600m2 thuộc hãng Nhà Rồng, 34.200m2 thuộc bến Khánh Hội, 36.000m2 thuộc bến Tân Thuận.
Hiện nay cảng Sài Gòn có tổng diện tích 3.860.000m2 và gồm 5 khu vực:
– Khu vực Hàm Nghi: 4 km dọc bờ phải sông Sài Gòn với 3 cầu tàu cho tàu nội địa.
– Khu vực Nhà Rồng (vị trí cũ): dọc sông Tàu Hũ với 3 cầu tàu cho tàu nước ngoài.
– Khu vực Khánh Hội: dài 1.25km với 11 cầu tàu cho tàu nước ngoài.
– Khu vực Chợ Cá: 3 cầu tàu và 2 bến.
Từ ngày 25 tháng 07 năm 1975, Thương cảng Sài Gòn đổi tên mới là Cảng Sài Gòn theo quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường biển. Cảng Sài Gòn có tổng diện tích 475.000m2, 3 bến xếp dỡ với chiều dài cầu tàu:
– Bến Nhà Rồng (428m).
– Bến Khánh Hội (1.264m).
– Bến Tân Thuận (866.5m).
Qua nhiều giai đoạn phát triển, ngày nay, Cảng Sài Gòn là một cảng biển quốc tế, cảng chính của miền Nam Việt Nam. Tổng diện tích mặt bằng là 570.000m2 gồm 5 bến cảng (Tân Cảng, Bến Nghé, Nhà Rồng, Khánh Hội, Tân Thuận) với 2.830m cầu tàu, 250.000m2 bãi, 80.000m2 kho hàng. Đầu thế kỷ 21, đáp ứng yêu câu đổi mới, hội nhập và phát triển, Cảng Sài Gòn mở dịch vụ trung chuyển container, mở đường cho giai đoạn phát triển mới của ngành hàng hải Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hiện vật:
- Dụng cụ neo tàu: bích neo tàu, dây xích neo tàu, neo có ngáng.
- Dụng cụ xếp dỡ hàng: khuyên đầu dây chống mài mòn cáp, quả nặng chống xoắn cáp, móc sắt cẩu hàng, móc cẩu bành bông.
- Sưu tập hiện vật trên tàu lai dắt 240: còi tàu, phao cứu sinh cá nhân, máy viễn thông truyền lệnh từ buồng chỉ huy xuống gian máy trên tàu hơi nước để điều khiển tốc độ và bộ đèn tín hiệu gồm có:
– Đèn trắng mũi, khoảng chiếu sáng 2250, được treo cao ít nhất 3m so với mặt nước.
– Đèn trắng phát tín hiệu, khoảng chiếu sáng 3600, treo ở buồng lái.
– Đèn mạn, khoảng cách chiếu sáng 112030’, đèn xanh ve treo phía trước mũi qua mạn bên phải, đèn đỏ treo trước mạn bên trái. Đèn mạn đặt thấp hơn ít nhất ¼ chiều cao đèn trắng mũi.
- Sưu tập thẻ đếm bao lúa xuất nhập kho thể hiện nét nhộn nhịp của cảng.