Hệ thống giao thông Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho:
Được xây dựng theo đề án của Giám Đốc Sở Công chánh Eyriand des Vergues từ năm 1881 đến ngày 20/07/1885 công trình hoàn thành nhưng hàng hóa phải chuyển sang bên kia sông Bến Lức mới lên tàu. Đến tháng 5/1886 xe lửa mới chạy xuyên suốt tới Mỹ Tho. Sự ra đời của tuyến đường xe lửa này đánh dấu mốc quan trọng về phát triển giao thông đường bộ ở Nam kỳ và đồng bằng sông Cửu Long. Từ Sài Gòn xuống tới Mỹ Tho chỉ mất 3 giờ thay vì 12 giờ như trước kia. Sau 60 năm tồn tại, vì sự phát triển mạnh mẽ của đường bộ, các phương tiện cơ giới và chiến tranh, đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX, đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho ngưng hoạt động.
Cầu Thủ Thiêm:
Là một cây cầu nối hai bờ sông Sài Gòn thuộc Quận 2 và Quận Bình Thạnh của thành phố Hồ Chí Minh. Cầu có 6 làn xe, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm hiện hữu của thành phố. Tổng kinh phí xây dựng lên đến 1.099,6 tỷ đồng. Tổng thầu là Tổng công ty xây dựng số 1 thuộc Bộ Xây dựng.
Cầu Thủ Thiêm dài 1.250m, phần cầu chính gồm 5 nhịp, 6 làn xe; phần cầu dẫn phía Quận Bình Thạnh gồm 4 nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe; cầu dẫn phía Quận 2 dài 160m, rộng tương đương 6 làn xe. Nút giao thông phía Quận Bình Thạnh gồm một hầm chui trực thông dài 460m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, rộng 4 làn xe. Đường dẫn phía Quận 2 dài 280m, mặt cắt ngang 47m. Đường gồm tổng chiều dài 1.460m, phía quận Bình Thạnh rộng 10,5m, phía quận 2 rộng 9,5m.
Điểm đầu dự án là giao giữa đường Ngô Tất Tố với đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22 quận Bình Thạnh. Điểm cuối dự án nối với đường Lương Định Của (Quận 2).
Sân bay Tân Sơn Nhất:
Được xây dựng năm 1930 ở làng Tân Sơn Nhất. Chuyến bay đầu tiên từ Paris đến Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất là năm 1933, chuyến bay này kéo dài 18 ngày. Năm 1938, Pháp cho thành lập Sở Hàng không Dân dụng. Năm 1959, Mỹ cho xây sân bay rộng hơn, dài hơn 3000m, bằng bê tông. Trong khi đó sân bay do Pháp xây dựng năm xưa dài hơn 1500m, bằng đất đỏ. Trong chiến tranh Việt Nam, sân bay là căn cứ quân sự quan trọng của Quân đội Hoa Kỳ và của Không lực Việt Nam Cộng hòa. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, sân bay tiếp tục được mở rộng để khai thác các chuyến bay trong nước và quốc tế.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (trước đây được gọi là phi trường Tân Sơn Nhứt) là cảng hàng không quốc tế ở miền Nam Việt Nam. Hiện nay, đây là sân bay lớn nhất của Việt Nam về mặt diện tích – 800 ha/1.977 acres so với diện tích 650 ha/1.606 acres của sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Đà Nẵng. Và về mặt công suất nhà ga (với công suất từ 15 – 17 triệu lượt khách mỗi năm (so với công suất hiện tại của Nội Bài là 6 triệu, sân bay Đà Nẵng là 2 triệu) và cũng là sân bay có lượng khách lớn nhất, năm 2007 đã phục vụ 11 triệu lượt khách, chiếm 55% tổng lượng khách (20 triệu) trong các sân bay Việt Nam. Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 8 km về phía Bắc, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam.