Sài Gòn những ngày đầu kháng chiến
Đất nước ta hưởng độc lập không bao lâu, quân Pháp được quân Anh giúp sức đã trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ở Sài Gòn, tối 22/9/1945, lợi dụng bóng tối của lệnh giới nghiêm, thực dân Pháp đánh úp Sài Gòn. Ngay sáng 23/9/1945, một cuộc hội nghị được triệu tập để thống nhất thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Ủy ban đã ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến vào ngày 23/9/1945, mở đầu cho thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lá cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho đồng bào miền Nam thêu chữ “Thành đồng Tổ quốc ”
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), nhân dân miền Nam chưa tận hưởng chiến thắng được trọn vẹn, thì thực dân Pháp đã nhanh chóng âm mưu xâm lược nước ta lần nữa. Ngày 23/9/1945, được sự hỗ trợ của đồng minh Anh, quân Pháp đã chiếm lại các vị trí, cơ quan quan trọng tại Sài Gòn.
Trước sự tàn bạo của Pháp, nhân dân Nam Bộ đã anh dũng, kiên cường chiến đấu nhằm bảo vệ thành quả cách mạng. Tuy thế giặc mạnh, vũ khí tối tân nhưng sau nhiều tháng tiến hành gây hấn xâm lược, chúng phải đối đầu với khó khăn lớn là toàn bộ nhân dân miền Nam đều tham gia chiến đấu, bất hợp tác với địch.
Tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tuyên dương đồng bào Nam Bộ:“ Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước phải nhớ ơn đồng bào miền Nam”.
Bác Hồ còn tặng cho nhân dân Nam Bộ danh hiệu cao quý: Thành đồng Tổ quốc.
Khi Tổ quốc lâm nguy, mỗi người dân đều có trách nhiệm, đó là lời mà Bác Hồ đã khẳng định đanh thép trong ngày độc lập (2/9/1945): “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy”. và ngày 19/12/1946, Bác đã hiệu triệu: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ,…ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”.