Vào tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền… đã họp tại Đại Từ (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”.
Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” của cả nước.
Ngày “Thương binh, Liệt sỹ” (27/7) mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Hằng năm, “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau.
#BảotàngThànhphốHồChíMinh
#BaotangTPHCM