“TIỀN VIỆT NAM” (TỪ THẾ KỶ X ĐẾN NAY)
Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, tiền tệ ra đời, trở thành vật trung gian trong trao đổi buôn bán, đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người.
Ở Việt Nam, tiền được đúc từ thời kỳ hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập thế kỷ thứ X. Mỗi triều đại đều lưu hành tiền mang niên hiệu của triều đại đó.
* Tiền thời Phong kiến:
Trưng bày tiền đồng Việt Nam thời phong kiến từ đồng tiến đầu tiên Thái Bình Hưng Bảo, thời Đinh, thế kỷ X. Đồng tiền cuối cùng Bảo Đại Thông Bảo, thời nhà Nguyễn, đầu thế kỷ XX.
* Đơn vị đo tiền:
Đơn vị đo tiền là thước. Thước 2 máng, thước 4 máng. 1 quan tiền = 600 đồng.
* Tiền giấy dưới thời nhà Trần.
Quang Thái năm thứ 9 (1396) bắt đầu phát (tiền giấy) Thông Bảo Hội Sao, in xong, ra lệnh cho người đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Việt Nam là một trong những nơi phát kiến tiền giấy sớm, gần thời điểm với sự phát hành tiền giấy ở Trung Quốc.
* Tiền Đàng trong:
Tiền của các chúa Nguyễn (1558 – 1778), tiền triều Tây Sơn, tiền triều Nguyễn: Tiền này được lưu hành từ Quảng Nam trở vào miền Nam là tiền kẽm. Trong vô số tiền Đàng Trong có 6 đồng tiền qúy hiếm:
Thái Bình Nguyên Bảo
Thánh Hòa Nguyên Bảo
Hoàng Tống Hựu Bảo
Thiên Thông Nguyên Bảo
Vĩnh Hòa Nguyên Bảo
Tường Nguyên Thông Bảo…
* Tiền thưởng: Bên cạnh những đồng tiền lưu hành trong dân gian, triều đình còn cho đúc những đồng tiền lớn để thưởng cho các công thần.
Tiền thưởng Cảnh Hưng (Lê Trung Hưng 1740 – 1790), Cảnh Thịnh (Tây Sơn 1793 – 1801), Bảo Đại Bảo giám bằng vàng (1926 – 1945).
Đặc biệt năm Canh dần, Minh Mệnh năm thứ 11 (1830) mùa hạ, tháng 5 đúc tiền đồng lớn mỹ hiệu “Minh Mệnh thông bảo” 1 vạn đồng. Những đồng tiền này nặng khoảng 25 đến 30 gram. Một mặt có niên hiệu, mặt kia khắc những lời khen tặng bằng 4 hán hoặc 8 chữ Hán, có nguồn gốc từ Nho giáo hoặc văn học cổ Trung quốc. 20 hiệu 8 chữ, 10 hiệu 4 chữ:
Hiền hiền thân thân lạc lạc lợi lợi
Quốc thái dân an phong điều vũ thuận
Hoa phong tam chúc thiên bảo cửu như
Đắc vị đắc danh đắc lộc đắc thọ
Lục phủ khổng tu tam sự doãn trị
Phúc như đông hải thọ tỷ nam sơn
Vạn thọ du tạc vạn phúc du đồng
Thiên bất ái đạo địa bất ái bảo…
Nguyên hanh lợi trinh
Phúc lý tuy tương
Đế đức quảng vận
Lợi dụng hậu sinh
Trung hòa vị dục …
* Thoi bạc: Để trao đổi mua bán những tài sản lớn, phải sử dụng khối lượng tiền đồng, tiền kẽm không tiện, năm Gia Long thứ 11 (1812) bắt đầu đúc bạc đĩnh 1 lạng (1 lạng bạc = 2 quan 8 tiền), đĩnh bạc 10 lạng ( trên có khắc niên hiệu, năm đúc, nơi đúc).
* Tiền Đông Dương (1874 – 1954 ) Năm 1879, Quốc hội Pháp quyết định phát hành tiền cho khu vực Cochinchine, cùng năm đó, xưởng tiền tệ Paris thuộc Cục tiền tệ Pháp tổ chức chế tạo các loại tiền đồng và tiền bạc cho vùng Cochinchine, thông qua chi nhánh ngân hàng ở Sài Gòn phát hành ở vùng Nam kỳ. Tiền kim loại Cochinchine gồm tiền đồng và tiền bạc. Tiền bạc gồm có 4 loại: 1 Piastre, 50 cent, 20 cent, 10 cent. Tiền đồng gồm có hai loại: Đương nhị và Bách phân chi nhất
* Một số giấy tờ có liên quan đến tiền:
Giấy bán đất, năm Thái Đức thứ 10 – 1787.
Giấy thuế đất năm Minh Mệnh thứ 2 – 1821.
Văn bằng thưởng tiền tiểu hạng long văn bạc cho quan tổng Phạm Hữu Liên, quê xã Phú Tài, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận, năm Bảo Đại thứ 2 – 1927.
Văn bản thưởng “nhị hạng ngân tiền” cho ông Dương Văn Công, quê Sài Gòn, năm Bảo Đại thứ 2 – 1927.
Quyết định của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc phát hành tiền ngân hàng Việt Nam, thu đổi tiền “chánh quyền Sài Gòn” cũ.
* Tiền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1946 – 1975):
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép in và phát hành giấy bạc Việt Nam (còn gọi là giấy bạc tài chính) để thay thế tiền giấy Đông Dương ngân hàng.
Đồng tiền vàng Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đúc năm 1948: Bác Hồ tặng bà Nguyễn Thị Thập – chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành viên phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dự hội nghị Quốc tế (1958 – 1959)
* Giấy bạc tài chính Việt Nam in tại Nam Bộ.
Nam bộ do cách xa chính phủ Trung ương, chưa có điều kiện để tổ chức và phát hành ngay tờ bạc tài chính Việt Nam. Giải pháp ban đầu chính quyền quyết định cho tạm dùng tiền Đông Dương ngân hàng có đóng dấu Ủy ban Kháng chiến Hành chính địa phương.
Ủy ban Hành chánh Nam Bộ ra lệnh cho các chính quyền địa phương đã giải phóng đóng dấu lên tờ giấy bạc Đông Dương (dấu của chính quyền Tỉnh, Quận, Làng, Xã…), đôi khi có ký tên vị chủ tịch, hoặc đóng dấu thêm hàng chữ khẩu hiệu tuyên truyền… để cho dân chúng sử dụng bình thường.
Để tiện lợi cho dân chúng, Ủy ban HCKC cho lập nhiều bàn giấy tại Ủy ban để dân mang tiền Đông Dương ngân hàng đến đóng dấu. Có nhiều nơi, Ủy ban cho dân dán một mẩu giấy nhỏ xác nhận có ký tên và đóng dấu lên tờ tiền, người dân gọi là đùa là Bạc đắp nền.
Cuối năm 1952, các loại tiền đóng dấu dần dần biến mất, một phần do mất mát, một phần do chính phủ Kháng chiến đã phát hành tiền nên thu hồi và tiêu hủy.
Ngày 01 tháng 11 năm 1947, sắc lệnh số 102/SL Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng quyết định của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ cho phép in giấy bạc Việt Nam tại Nam bộ. Ngoài ra còn có loại giấy bạc địa phương và phiếu tiếp tế, phiếu đổi chác, tín phiếu… lưu hành khu vực tỉnh, huyện, xã.
* Giấy bạc ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Ngày 13 tháng 9 năm 1985, quyết định số 01 HĐBT/TĐ của Hội đồng Bộ trưởng về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ.
Ngày 14 tháng 9 năm 1985, ngân hàng nhà nước Việt Nam được phép phát hành các loại tiền mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thu đổi các loại tiền cũ theo tỷ lệ 10 đồng tiền cũ đổi 1 đồng tiền mới.
Năm 2003 ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành tiền polymer mệnh giá 500.000, 200.000, 100.000, 50.000, 20.000… tiền xu: 5.000, 2000, 1000, 500, 200.
Lịch sử tiền tệ mang dấu ấn lịch sử Việt Nam. Sự thịnh suy của lịch sử dân tộc thể hiện rõ nét trong tiền tệ Việt Nam.