Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Đồng chí Trần Văn Giàu – Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ viếtLời kêu gọi kháng chiến đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ đứng lên đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược, mở ra trang sử hào hùng của dân tộc.
Hoàn cảnh lịch sử
Chỉ vỏn vẹn có 21 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (ngày 02/9/1945), dưới sự giúp đỡ của phái bộ quân Anh, Pháp đã tiến hành gây hấn đánh chiếm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và toàn Nam Bộ như: thực hiện treo cờ Pháp trước dinh toàn quyền cũ, xé những thông cáo và bố cáo của Uỷ ban nhân dân Nam Bộ ở các địa điểm. Chúng bắt bớ, đánh đập người dân trên các đường phố… nhằm thực hiện âm mưu quay trở lại Việt Nam.
Đêm 22, rạng sáng 23/9/1945, thực dân Pháp bất ngờ nổ súng tập kích tấn công vào cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Hội nghị Cây Mai
Ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, rạng sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy, Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ đã triệu tập cuộc họp liên tịch tại số nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5) với sự tham dự của Xứ uỷ, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ và đại diện Tổng bộ Việt Minh.
Sau khi thảo luận, Hội nghi đã quyết định: “vừa đánh điện báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương, vừa phát động kháng chiến ngay lập tức”(1). Ngoài ra, Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ” do đồng chí Trần Văn Giàu soạn ngay trong đêm nhằm kêu gọi đồng bào cầm vũ khí đánh đuổi quân xâm lược, lời kêu gọi được kết thúc bằng câu:“Cuộc kháng chiến bắt đầu!”(2).
Lời kêu gọi của Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân và được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế mạnh mẽ nhất, tạo nên sức mạnh của toàn dân.
Mặt trận Sài Gòn
Hưởng ứng Lời kêu gọi, quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định hừng hực khí thế chiến đấu, quyết bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Ủy ban kháng chiến Nam Bộ chia Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định thành 5 mặt trận gồm: Thị Nghè; Bà Điểm – Tham Lương; Phú Lâm; Nhà Bè – Cần Giuộc; cầu Bến Phân, ở các mặt trận đều được bố trí các đơn vị vũ trang, được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí… chuẩn bị mọi mặt, phối hợp chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân sẵn sàng nổi dậy.
Chiều ngày 23/9/1945, người dân dựng chướng ngại vật bằng các vật dụng như: bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe… nhằm cản bước tiến của quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ. Các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi… bị phá hủy, gây khó khăn cho quân Pháp.
Trong những ngày Nam Bộ kháng chiến, không chỉ có người dân trong đô thành Sài Gòn hưởng ứng, tham gia chiến đấu mà người dân tộc Mạ (ở Biên Hòa), dân tộc S’Tiêng (ở Thủ Dầu Một) cũng kéo xuống Sài Gòn cùng với vũ khí thô sơ như ná, tên tẩm thuốc của mình, tham gia tác chiến ở cầu Thị Nghè, cầu Bông.
Có thể nói, tiếng súng kháng chiến nổ ra ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến đầu tháng 10, lực lượng vũ trang các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ… đã tiến theo đường số 4 đánh vào Phú Lâm chia lửa với quân dân Sài Gòn.
Khí thế hào hùng còn vang mãi
Nam Bộ kháng chiến đã diễn ra trong không khí chưa từng có khi các lực lượng của ta khi đó chỉ có vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần đấu tranh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã chiến đấu bằng sự kiên cường, bất khuất đã hoàn thành nhiệm vụ làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch và làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”(3) của Pháp, tạo điều kiện cho các tỉnh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ chuẩn bị lực lượng đối phó khi quân Pháp tiến hành mở rộng chiến tranh.
78 năm trôi qua nhưng lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Nam Bộ, nòng cốt là Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong những ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn giá trị, thể hiện rõ khát vọng và ý chí không có gì lay chuyển được là vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc.Ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân ta trong ngày 23/9/1945 đã để lại cho các thế hệ Việt Nam những bài học vô cùng quý giá, đó là:
Thứ nhất: Tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh ngoan cường, bất khuất của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đây là nhân tố quan trọng tạo nên ý chí, sức mạnh chính trị – tinh thần vô cùng to lớn của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong Nam Bộ kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống đó tiếp tục được phát huy và được đúc kết bằng chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Thứ hai: tinh thần chủ động, sẵn sàng tiến lên phía trước. Kịp thời phát động kháng chiến và quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ để lãnh đạo nhân dân kháng chiến lâu dài là quyết định táo bạo, kiên quyết và kịp thời, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ uỷ Nam Bộ. Điều đó thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ uỷ, Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ trên tinh thần “Độc lập hay là chết” và “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Thứ ba: tinh thần đoàn kết và xây dựng thế trận lòng dân là nhân tố quan trọng góp vào sự thành công của Nam Bộ kháng chiến. Tiếng súng kháng chiến nổ ra ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã nhận được sự tham gia của đồng bào các giới, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo. dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ, Uỷ ban hành chính nhân dân và Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ, nòng cốt là Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Trong Lời hiệu triệu toàn dân của Chính phủ vào ngày 26/9/1945: “Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nhiều đoàn quân “Nam tiến” lên đường tham gia chiến trường miền Nam cùng với nhiều đợt quyên góp của cải, vật chất của nhân dân kịp thời chi viện cho miền Nam, thể hiện ý chí toàn dân đứng lên bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước.
Ngày 23/9/1945 mãi là dấu mốc lịch sử quan trọng của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, thể hiện ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Khí thế Ngày Nam Bộ kháng chiến đã thể hiện niềm tin sắt đá, khó khăn nào cũng vượt qua chính là sức mạnh để đồng bào miền Nam nói chung và nhân dân Thành phố mang tên Bác nói riêng.
————————————-
Tài liệu tham khảo
(1) Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2010), Lích sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.258.
(2) Hội đồng Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (1996), Mùa thu rồi, ngày hăm ba, tập 2 – Độc lập hay là chết, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 54-55.
(3) Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2010), Lích sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.355.