Thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2019), 97 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2019) và ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIV – 23/11/2019 Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Vĩnh Long, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà sưu tập, Thạc sĩ, Luật sư Trương Văn Thuận trưng bày chuyên đề “Từ Đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ và sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý”.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử ra đời vào cuối thế kỷ XIX, gắn liền với lịch sử văn hóa của vùng đất Nam Bộ, gắn liền với cư dân đi mở đất Phương Nam. Dòng nhạc tài tử là tiếng lòng của người Nam Bộ – vùng miệt vườn, sông nước, với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường. Từ điệu đờn, tiếng hát của Đờn ca tài tử đã gắn kết cộng đồng thông qua thực hành và sáng tạo nghệ thuật, trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam, nên rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao, bác học.
Hơn một thế kỷ trôi qua với bao thăng trầm của lịch sử, Đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ. Chính vì thế, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trưng bày chuyên đề với trên 260 tư liệu, hình ảnh, tranh, hiện vật như một lời tri ân đến các nghệ sĩ tiền bối và tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ cải lương đã có nhiều công lao đóng góp cho lĩnh vực sân khấu cải lương, vừa là dịp để công chúng hiểu thêm về Nghệ thuật Đờn ca tài tử, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này