Nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Ký Hiệp định Genève và Sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc (1954 – 2024), đồng thời hưởng ứng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2024, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử “Đoàn Cải lương Nam Bộ – Một thời hoa lửa” nhằm mang đến những góc nhìn sâu sắc về vai trò quan trọng của Đoàn Cải lương Nam Bộ trong việc cổ vũ tinh thần kháng chiến, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến tham dự chương trình tọa đàm vinh dự được đón tiếp: NSƯT Ca Lê Hồng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; NSƯT Lê Thiện – Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang; Đạo diễn Thanh Hạp – Nguyên Trưởng đoàn Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, NSND Thanh Vy; NSƯT Phi Điểu; NSƯT Văn Hai; Nghệ sĩ Cao Văn Lý, các bạn Đoàn viên thanh niên Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viê các cơ quan báo chí, đài truyền hình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến tham dự và đưa tin.
Năm 1956, Đoàn Cải lương Nam Bộ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Đoàn Văn công Nam Bộ, là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm đã tạo nên những tác phẩm gây được tiếng vang như: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Khuất Nguyên, Thạch Sanh, Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn… Với sức ảnh hưởng của mình, Đoàn Cải lương Nam Bộ đã trở thành ngôi sao sáng đem lời ca, tiếng hát đậm chất Nam bộ phục vụ nhân dân trên đất Bắc. Làn điệu Cải lương Nam Bộ như góp thêm một ngọn lửa tinh thần, động viên và cổ vũ quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đạo diễn Thanh Hạp nhớ lại những ngày ông tập kết ra Bắc tháng 12/1954, và khoảng thời gian trên đất Bắc với ông là kỷ niệm và kinh nghiệm mang theo suốt đời, nhất là những lần được gặp Bác Hồ. Đạo diễn Thanh Hạp kể: “Có một lần, đoàn diễn vở có nhiều phân cảnh mà kép chính quay lưng về phía khán giả. Bác xem xong khen ngợi anh chị em trong đoàn, rồi ghé tai nhắc nhỏ chú ý hơn để khán giả còn rõ mặt nghệ sĩ. Anh em trong đoàn lúc đó nhận ra, đúng là sơ suất khi biểu diễn quay lưng về phía khán giả hơi nhiều, nhưng Bác rất tinh tế nhận ra và nhắc nhở lại Đoàn. Đó là kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm đối với tôi, sau này dựng vở sân khấu phải chú ý từng chi tiết nhỏ, để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn và thoải mái nhất”.
NSƯT Ca Lê Hồng nhớ lại: “Những lần Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ không chỉ quan tâm đến hoạt động của đoàn mà còn khích lệ từng nghệ sĩ, giúp họ thêm tự hào và vững tâm cống hiến cho nghệ thuật”.
NSƯT Lê Thiện nhớ lại: “Khoảng thời gian khó khăn và thử thách khi tham gia biểu diễn tại các chiến trường, mang lại niềm vui và sự động viên tinh thần to lớn cho các chiến sĩ”. Bà nhấn mạnh ý nghĩa của việc duy trì hoạt động nghệ thuật trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, với lòng tin rằng mỗi buổi biểu diễn đều tiếp thêm sức mạnh cho công cuộc kháng chiến.
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, con gái NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch (trưởng Đoàn Văn công Nam Bộ, sau này là trưởng Đoàn Cải lương Nam Bộ, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ về tinh thần làm nghề cao quý của thế hệ nghệ sĩ ngày ấy: “Từ nhỏ tôi được ba cho theo đoàn để xem các cô chú tập luyện mỗi ngày. Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất chính là cách mọi người làm nghề bằng cả một tinh thần đam mê, và với các cô chú, danh sự nghệ sĩ là sự ghi nhận cho nỗ lực cả một đời theo nghề”.
Thông qua những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những đóng góp của Đoàn Cải lương Nam Bộ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, trở thành ngọn lửa tinh thần vững chắc trong thời kỳ kháng chiến. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ tiếp nối trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật cải lương như một di sản văn hóa quý báu của Nam Bộ.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh