Lễ khai mạc phòng trưng bày chuyên đề
“Cổ vật từ những sưu tập”
Vào sáng ngày 27/4/2012, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề“Cổ vật từ những sưu tập”. Đây là hoạt động phối hợp giữa Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Cổ vật thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012).
Đến tham dự lễ khai mạc có ông Trần Trọng Tân – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, ông Nguyễn Văn Thuyền – Chủ nhiệm câu lạc bộ kháng chiến, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, ông Lê Tôn Thanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM cùng nhiều đồng chí lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà sưu tập và cán bộ nghiệp vụ bảo tàng trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Tôn Thanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biểu dương những cố gắng của tập thể cán bộ viên chức Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà sưu tập thuộc Hội Cổ vật thành phố Hồ Chí Minh trong trưng bày “Cổ vật từ những sưu tập”, góp phần quảng bá rộng rãi di sản văn hóa đến với công chúng.
Đặc biệt trong dịp này, Hội Cổ vật thành phố Hồ Chí Minh và các nhà sưu tập khác đã trao tặng một số hiện vật quý cho Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhà sưu tập nhận bằng khen Ủy ban Nhân dân
và giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Phó Giám đốc Bảo tàng Thành phố
nhận hiện vật do Hội Cổ vật TPHCM trao tặng
Nội dung trưng bày:
Trưng bày chuyên đề “Cổ vật từ những sưu tập” giới thiệu gần 200 cổ vật đặc sắc, phong phú (được chọn lọc từ các sưu tập của 23 nhà sưu tập thuộc Hội Cổ vật thành phố) theo các nhóm chất liệu: đá, kim loại, gỗ, gốm sứ, vải, giấy… thể hiện qua sự đa dạng về loại hình, chủng loại: công cụ sản xuất, vũ khí, vật dụng sinh hoạt, trang sức, đồ thờ cúng… từ thời kỳ tiền sử đến thời kỳ độc lập tự chủ.
Sưu tập hiện vật văn hóa thời tiền sử: Các nền văn hóa nổi tiếng như Đông Sơn gồm rìu đồng, mũi lao, bao đựng, dao găm… (2500 – 2000 năm CNN); Đồng Nai: búa, dao đá (đồ thờ cúng), rìu, cuốc, xẻng đá, bàn đập đá, qua đồng… (2500 – 2000 năm CNN).
Sưu tập hiện vật thời phong kiến độc lập tự chủ: Ấn đồng thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn, dụng cụ đo lường, vũ khí thời Tây Sơn, Nguyễn; dụng cụ dùng trong sinh hoạt cung đình và dân dụng: đồ pháp lam Huế, khay, tráp quả gỗ, vật dụng, đồ thờ ngà: bộ Xăm hường, tượng Tam Đa.
Sưu tập gốm Việt Nam với các dòng gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Quảng Đức, Sài Gòn… với những kỹ pháp điêu luyện, hoa văn và màu sắc đa dạng từ gốm Lý, Trần đến thời Lê, Mạc… đã được định dạng trong văn hóa gốm khu vực và quốc tế.
Trưng bày đồng thời giới thiệu những cổ vật quý qua tiến trình cộng cư, giao lưu văn hóa giữa các tộc người ở Việt Nam như: tượng thờ, phù điêu, đồ trang sức bằng đá, quí kim… của văn hóa Chăm, văn hóa Khmer Nam bộ.
Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu những cổ vật gốm độc đáo từng được giới quý tộc và triều đình đặt hàng tại Trung Quốc, gốm Nhật Bản, Thái Lan… thể hiện mối giao thương về kinh tế và văn hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trưng bày chuyên đề “Cổ vật từ những sưu tập” mở cửa từ ngày 27/04/2012 đến ngày 31/12/2012, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trân trọng kính mời quý khách đến tham quan.