Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn
Năm 1945, hoàn cảnh khách quan có nhiều thuận lợi. Trong nước, Thực dân Pháp bị Nhật đảo chính ngày 9/3/1945. Trên thế giới, Đức quốc xã đầu hàng. Lợi dụng tổ chức công khai hợp pháp là Thanh niên Tiền Phong, Thanh niên Tiền phong trong các ban, xí nghiệp tích cực hoạt động chuẩn bị cho khởi nghĩa tháng 8/1945.
Khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, ngay tối ngày 15/8/1945, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập do ban Bí thư xứ ủy Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Đêm 20/8/1945, Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai tại rạp Nguyễn Văn Hảo; cờ đỏ búa liềm treo đầu tiên trước nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Sau khởi nghĩa thí điểm Tân An thành công, Ủy ban Khởi nghĩa chỉ thị các cơ quan, nhà máy phải giành chính quyền trước 0 giờ ngày 25/8/1945. Thực tế những công sở trong thành phố đều do ta làm chủ ngày 24/8. Đặc biệt dinh Khâm sai (nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ) là nơi đầu tiên ở Sài Gòn, cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay trong không khí thắng lợi.
Ngay từ sáng sớm 25/8/1945, cả triệu quần chúng nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông vạt nhọn…rầm rập kéo về nội thành Sài Gòn tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, biểu dương lực lượng. Đoàn người hô vang những khẩu hiệu: “Việt nam hoàn toàn độc lập”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Độc lập hay là chết”, “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”… Cờ đỏ sao vàng ngập đường phố, phấp phới bay hiên ngang tên các công sở.
1. Tổ chức Thanh niên Tiền phong:
Ngày 9 – 3 – 1945, Nhật đảo chính Pháp, lúc này chính phủ Nhật chủ trương muốn tập hợp lực lượng thanh niên để chống lại Đồng minh nên đã cử một viên tướng Nhật là Iđa đến gợi ý với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Nhật không biết bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người của cách mạng). Xứ ủy Nam Bộ muốn lợi dụng đề nghị này để nhanh chóng xây dựng lực lượng rộng rãi của ta, đã đồng ý để bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng một số người có cảm tình với cách mạng: Nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng đứng ra lập một tổ chức thanh niên do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cờ, khẩu hiệu đều do ta đặt ra. Tổ chức Thanh niên Tiền phong, ra đời vào ngày 1 – 6 – 1945.
Sau khi ra đời, Thanh niên Tiền phong với trang phục quần soọc xanh hoặc màu sậm, áo sơ mi trắng, dép cao su quai tréo, mũ bành vành rộng, huy hiệu mũi tên thẳng đứng. Được trang bị tầm vông vạt nhọn, đeo dao găm và cuộn dây thừng ngang lưng. Kiểu chào là co bàn tay trái ngang ngực, xòe ba ngón tay tượng trưng cho ba lời thề (Trung thành với tổ quốc, với nhân dân, giữ gìn phẩm chất cao đẹp). Khẩu lệnh là hô “Thanh niên!” và đáp “Tiến!”. Cơ quan ngôn luận là báo Tiến ! ra hàng ngày. Trụ sở đóng ở số nhà 14 đường Charner (đường Nguyễn Huệ nay).
Hoạt động của Thanh niên Tiền phong do các ban chuyên môn phụ trách như: Ban Tuyên truyền cổ động tổ chức, Ban Hoạt động xã hội, Ban Phát thanh, Ban Huấn luyện quân sự, Ban Biên tập báo Tiến, Ban Văn nghệ, nòng cốt trong hoạt động các ban chuyên môn này có hàng trăm anh chị em công nhân, trí thức, học sinh – sinh viên. Hoạt động của Thanh niên Tiền phong rất sôi nổi, ngày đêm tổ chức canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức dạy bình dân học vụ, quyên góp cứu đói đồng bào miền Bắc, miền Trung, tổ chức lấy súng của Nhật, của Pháp trang bị cho mình và tổ chức huấn luyện quân sự.
Đầu tháng 8/1945, Thanh niên Tiền phong trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất lôi cuốn hầu hết các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo thành cao trào cách mạng toàn dân. Các công, tư sở, các xí nghiệp, các nhà máy điện, nước, bưu điện, các bót cảnh sát…đều có cơ sở Thanh niên Tiền phong nắm chắc. Ngày 16/8/1945, Thanh niên Tiền phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, không khí khởi nghĩa sôi nổi. Thanh niên các giới phần lớn đứng trong hàng ngũ Thanh niên Tiền phong sẵn sàng tham gia các tổ chức khởi nghĩa.
Sau khi ra đời tháng 6 – 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã có hai cuộc tuyên thệ lớn tại vườn Ông Thượng (nay là công viên văn hóa Tao Đàn).
Cuộc tuyên thệ lần thứ nhất diễn ra vào ngày 15 – 7 – 1945, tập hợp được 20.000 người. Các nhà lãnh đạo Thanh niên Tiền phong đọc lời kêu gọi: “Thanh niên hãy nhận thức rằng: Thời của đất nước đang đến, Thanh niên Việt Nam phải sẵn sàng phải hiệp lực để cứu nước, để phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân”. Sau lời tuyên thệ, Thanh niên cùng nhau hát hai bài Lên Đàng và Tiếng gọi Thanh niên.
Lần tuyên thệ thứ hai vào ngày 18/8/1945 lực lượng Thanh niên Tiền Phong mang vũ khí thô sơ, gậy tầm vông trên vai, dây thừng và dao găm ở thắt lưng, chào nhau bằng câu: “Thanh niên! Tiến!” với nội dung kêu gọi “Thời cơ giành độc lập đã đến! Thanh niên hãy siết chặt hàng ngũ, sẵn sàng chiến đấu”. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đứng trên bục cao chỉ huy đồng ca Quốc dân hành khúc do ông sáng tác (tức Thanh niên hành khúc được sửa lời lại cho phù hợp với tình hình mới sau khi tuyên thệ).
2. Mít tinh của đồng bào Sài Gòn đón nghe Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày (2/9/1945)
Cách mạng Tháng 8 thắng lợi. Ngày 2/9/1945, hàng vạn đồng bào từ nhiều tỉnh và tại Sài Gòn kéo về quảng trường Norodom (gần nhà thờ Đức Bà) chờ được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập từ quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Nhưng do thời tiết xấu và trình độ kỹ thuật lúc đó, những lời tuyên bố trịnh trọng của Hồ Chủ Tịch trước quốc dân và dư luận thế giới không đến được với đồng bào dự mít tinh. Đồng chí Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy hành chính Nam Bộ đã bước lên khán đài kêu gọi nhân dân đoàn kết chung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mưu đồ của thực dân, đế quốc trở lại xâm lược nước ta lần nữa.
Khi cuộc mít tinh chuyển sang biểu tình tuần hành, từ trên những tầng lầu cao xung quanh, thực dân Pháp đã nổ súng bắn vào đoàn biểu tình tuần hành, từ trên những lầu cao xung quanh, bọn thực dân pháp đã nổ súng bắn làm 47 người chết và bị thương. Hành động gây hấn của thực dân Pháp được sự tiếp tay của thực dân Anh đã gây căm phẫn cao độ, dấy lên lòng yêu nước và lòng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân.