Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp
Phòng trưng bày “Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp” giới thiệu một số nghề thủ công truyền thống (khái quát lịch sử phát triển của nghề, kỹ thuật và sản phẩm của nghề) và công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
I. Nghề thủ công truyền thống
Giới thiệu địa bàn phân bố làng nghề thủ công truyền thống: bao giấy, dệt vải, dệt chiếu, liếp bánh tráng, in lụa, nhang, rế, chổi chà, bánh tráng, nhạc cụ, nem, lò đất, rổ rá. đậu hũ, nấu rượu, đệm, lồng đèn, thuộc da, chằm lá, đúc đồng, thủy tinh, mộc, trứng vịt muối, chả cá, giỏ trạc, may, chổi bông cỏ, hủ tiếu, mứt, nhuộm..
Gốm Việt Nam đã có từ thời đại đồ đá mới cách nay khoảng 10.000 năm. Đến thế kỷ XVII với những cuộc di dân của người Việt và người Hoa vào đất Sài Gòn – Gia Định, nghề gốm ở đây đã được xây dựng và phát triển, hình thành loại gốm khá nổi tiếng
.1. Nghề làm gốm:
Để chế tạo một sản phẩm gốm, phải trải qua qui trình luyện đất, tạo dáng, trang trí hoa văn, phủ men, sau cùng xếp gốm vào lò và nung.
Sản phẩm gốm bao gồm những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình: Bộ ấm chén, chén, dĩa… Những hiện vật phục vụ cho việc thờ cúng: tượng, lư hương, chân đèn… Những hiện vật dùng trang trí: bình hoa, chậu hoa, đôn gốm, tranh gốm…
Hiện nay, khu Long Bình (Quận 9), khu Trung An (Củ Chi) là những nơi còn sản xuất gốm, sản phẩm gốm không chỉ hiện diện trong đời sống của người dân Thành phố, mà còn là mặt hàng xuất khẩu đi các nước.
2. Nghề kim hoàn:
Vào cuối thế thế kỷ thứ II, đầu thế kỷ thứ III, nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc ở Việt Nam đã khá phát triển. Đến thế kỷ XVIII, cùng với quá trình khai phá vùng đất Sài Gòn – Gia Định nghề kim hoàn phát triển rất nhanh, tập hợp được một đội ngũ thợ có tay nghề giỏi. Sản phẩm của người thợ kim hoàn là những món đồ trang sức: vòng tay, bông tai, dây chuyền, nhẫn… không chỉ nổi tiếng ở địa phương, khu vực mà cả vùng Đông Nam Á.
Để có thể chế tác được các sản phẩm vàng bạc tinh xảo, người thợ phải nắm vững 3 khâu kỹ thuật quan trọng của nghề là chạm, đậu và trơn. Qua những hoa văn, họa tiết trang trí trên các sản phẩm, thể hiện rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hòan Việt Nam.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nghề kim hòan còn tiếp tục được duy trì và hoạt động tại các chợ quận 5, 6, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
3. Nghề chạm khắc gỗ:
Nghề chạm khắc gỗ vào thế kỷ XVII, đã nảy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định do những lưu dân người Việt và người Hoa vào định cư mang theo. Nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc nghệ thuật, nhu cầu dân dụng của một vùng đất mới đã tạo điều kiện xuất hiện một đội ngũ thợ chạm khắc gỗ có tay nghề cao.
Chạm khắc gỗ gồm các kỹ thuật: Chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi.
Để thực hiện một công trình, nghệ nhân cần phải tạo hình trên gỗ, chạm khắc, sơn sửa rồi mới lắp ráp. Quy trình tạo tác phẩm thường được bắt đầu từ khâu vẽ phác, định hình, gọt láng hoa văn, là của người thợ chính, đến công đoạn chà nhám, cạo láng và đánh bóng là của người thợ phụ.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của nghề chạm khắc gỗ Sài Gòn – Gia Định trước kia chủ yếu đáp ứng nhu cầu nội địa. Gần đây sản phẩm chạm khắc gỗ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
4. Nghề dệt:
Nghề dệt xuất hiện ở Sài Gòn – Gia định vào thế kỷ thứ XVII, do những lưu dân người Việt mang theo trong tiến trình khai phá vùng đất phương Nam. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, nghề dệt phát triển rộng khắp, hình thành nên các làng nghề của các dòng thợ dệt khác nhau như: Bảy Hiền (Tân Bình), Hãng Đồng (Phú Nhuận), Bùi Môn (Hóc Môn), Tam Hà (Thủ Đức)…
Kỹ thuật dệt cổ điển là khung cửi bằng gỗ và dệt tay, người thợ dệt phải làm động tác mắc cửi, mắc go, mắc thoi rồi mới dập sợi. Đến đầu thế kỷ XX, máy móc đã được đưa vào quy trình dệt, thay thế nhiều thao tác bằng tay, mang lại năng suất cao. Từ nguyên lý của lối dệt thoi truyền thống, ngành dệt hiện nay đã tiến bộ vượt bậc với các công nghệ mới như dệt kim, dệt kiếm, dệt gió, dệt nước và dệt jacqua…
5. Nghề đúc đồng:
Từ thời đại đồ đồng cách nay khoảng 3.500 năm, nghề đúc đồng ở Việt Nam đã khá phát triển. Quá trình khai phá vùng đất Sài Gòn – Gia Định cũng là quá trình hình thành những làng nghề đúc đồng nổi tiếng như: Khu Chợ Quán (Quận 5), ba làng Tân Kiểng, Nhơn Giang, Bình Yên (Chợ Lớn), Tân Hòa Đông (Quận 6), khu Hòa Hưng (Quận 10)…
Sản phẩm đồng là những đồ gia dụng, hoặc dùng trong thờ cúng như: Nồi, mâm, chảo, ô trầu, bàn ủi, chân đèn, lư hương, tượng người, tượng phật…
Một sản phẩm đồng phải trải qua 3 công đoạn chính là làm khuôn, đúc, làm nguội. Người thợ dùng đất sét và sáp tạo khuôn, sau đó nung khuôn trong ba giờ ở nhiệt độ 800 – 900oC, đồng thời nấu chảy đồng rồi rót vào khuôn, sáp tan ra và đồng trám vào khuôn sáp. Cuối cùng là đục chạm hoa văn và đánh bóng sản phẩm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, những vùng còn sản xuất đồ đồng là Tân Hòa Đông (Quận 6), khu Thông Tây Hội (Gò Vấp), và khu Thuận Kiều (Hóc Môn)
II. Công nghiệp
Thời thuộc Pháp, công nghiệp bắt đầu quá trình cơ khí hóa và phân ngành, từ sản xuất nhỏ, riêng lẻ và thủ công hình thành xưởng và công xưởng. Thời kỳ 1954 – 1975, hình thành các khu công nghiệp tập trung và một số nhà máy có công nghệ hiện đại như ngành chế biến thực phẩm, cơ khí, dệt may.
Từ năm 1975 đến nay, công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh phát triển thêm nhiều ngành và lĩnh vực: cơ khí gia dụng, thiết bị công nghệ, điện tử, viễn thông và các ngành công nghệ cao khác theo chiều rộng và chiều sâu, tạo tốc độ tăng sản lượng cao, có thương hiệu uy tín, chất lượng… khẳng định vai trò trung tâm công nghiệp của cả nước, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Giới thiệu những cơ sở công nghiệp đầu tiên ở Sài Gòn :
– Công nghiệp đóng tàu gồm : máy khoan để đóng đinh, đinh tán, đinh xoắn dùng đóng tàu và đèn gaz do Xí nghiệp đóng tàu Caric sản xuất.
– Ngành điện : trưng bày sưu tập hiện vật của Nhà máy nhiệt điện Chợ Quán xây dựng năm 1896 :
Phần chính diện giới thiệu khái quát về các ngành công nghệ có hàm lượng khoa học cao, sử dụng công nghệ hiện đại trở thành mũi nhọn của kinh tế Thành phố như: Cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sản xuất vật liệu mới, sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Thống kê các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh:
Một số thương hiệu được người tiêu dùng tin dùng: Bibica, Xà bông tắm cô ba, mỹ phẩm Sài Gòn, Nutifood, Vinaacecook, Tường an, Vissan, Thorakao, Tribico
Phòng trưng bày cung cấp cho chúng ta cái nhìn khái quát về các nghề thủ công truyền thống hiện vẫn đang phát triển và bức tranh công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.