Hệ thống chợ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Như Trịnh Hoài Đức viết “Gia Định là chỗ đô hội thương thuyền của các nước, cho nên trăm món hàng hóa phải tụ hội ở đây”. Và trong khắp miền Nam đất mới khi ấy, không đâu tập trung nhiều phố chợ như trên địa bàn Sài Gòn: Chợ Vải (Kinh Lấp, Nguyễn Huệ) sau này sầm uất gọi là chợ Cũ, trước khi bị chợ Bến Thành thay thế. Theo rạch Bến Nghé có nhiều Hoa thương, ghe đậu san sát ở Xóm Chiếu. Chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối (các đóng muối thành vựa). Chợ Quán, chợ Lớn xưa nằm trên nền bệnh viện Chợ Rẫy bây giờ. Hai bên bờ rạch có dãy phố lớn gọi là Tàu Khậu đón người Hoa đi biển đến thuê nhà, buôn bán. Từ Sài Gòn vào chợ Lớn có chợ Cây Da Còm (vị trí tòa án) có cây cổ thụ già, bán thực phẩm, trống lọng yên cương ngựa cho quan viên. Tiếp theo là chợ Đũi (lụa thô) bán hàng tơ sống nay ở góc Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học, đầu Calmette. Chợ Điều Khiển và chợ Cây Da Thằng Mọi (quanh khu vực chợ Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh) bán chân đèn có tượng người mọi da đen đội đèn trên đầu, chợ Cây Mai, chợ Xã Tài.
Phòng trưng bày dựng lại một góc Chợ Bến Thành vào thập niên sau 60 của thế kỷ XX:
Chợ Bến Thành là chợ quan trọng nhất của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Tên gọi “chợ Bến Thành” đã có trước khi người Pháp đến nhưng không phải ở vị trí hiện nay.
Chợ Bến Thành xưa trước đây hơn một thế kỷ được lập nên ở phía bờ sông Bến Nghé cận thành Gia Định. Ở đây phố xá trù mật, chợ làm dọc theo bến sông. Đầu Xuân có lệ vào ngày tế mạ (tức lễ tế thần của quân đội ngày xưa) có thao diễn thủy binh. Bến có đò ngang chở khách buôn ngoài sông biển vào chợ. Đầu phía Bắc là rạch Sa Ngư (là tên con rạch sau này lấp lại gọi là Kinh Lấp), có cầu ván bắc ngang, hai bên cầu có phố ngói, tụ tập cả trăm thứ hàng hóa. Dọc theo bờ sông, thuyền buôn lớn nhỏ đậu san sát.
Và theo tài liệu đã ghi chép, từ lúc đầu phố chợ Bến Thành ở phía Đông huyện Bình Dương (lúc đó Bình Dương còn là một huyện của Gia Định). Vì chợ dọc theo bến sông thành Phiên An (Gia Định) nên gọi là chợ Bến Thành (nghĩa là cái chợ ở bến sông thành Gia Định). Chợ ở vào khoảng giữa, tính từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), rồi trải qua trận binh lửa với Lê Văn Khôi, phố chợ này bị tàn phá đi nhiều, không còn nguyên như lúc ban đầu nữa. Đến thời Pháp đánh chiếm Gia Định, chợ được dời đến chỗ Kinh Lấp ở quãng giữa Nguyễn Huệ. Nền chợ được xây dựng lúc đó là khu đất có nhà Ngân Khố làm sau này (hiện nay là trường Ngân Hàng). Khi người Pháp muốn dời ngôi chợ cũ ở gần bến sông lùi vào trong, họ đã cho tay chân đốt cháy chợ. Chợ bị thiêu hủy vì lúc đó làm bằng vật liệu thô sơ, cột tre mái lá nên đã bị ngọn lửa thiêu hủy hoàn toàn.
Năm 1870, ngôi chợ mới được người Pháp dựng lại ở phía trong đường Kinh Lấp theo đúng ý đồ của họ. Chợ được dựng ở đường Nguyễn Huệ làm bằng cột sắt mái tôn, tường gạch khang trang. Lúc đó đường Nguyễn Huệ có con kinh chạy từ bờ sông Bến Nghé đến cuối đường Nguyễn Huệ, rồi con kinh quẹo sang phía chỗ Nhà Hát Thành phố và chạy dài tới Sở Thú, cầu Thị Nghè hiện nay. Con kinh ở đường Nguyễn Huệ lúc đó vì có phố dựng lên, nên hai bên bờ kinh người Việt, người Hoa, người Ấn và cả người Miên dựng nhà san sát để buôn bán. Xen vào có nhà gạch phố lầu của người Pháp ở và làm văn phòng hãng buôn, những dãy phố trệt hiện nay còn dăm ba căn ở bên cạnh Sở Ngân Khố, là nhà của người Hoa mở ra bán hủ tíu, thịt quay, cháo cá, cà phê. Cũng có dăm hiệu thuốc bắc được mở ra và đôi ba hiệu người Ấn mở ra bán vải, tơ lụa, tạp hóa, cà ri, nước hoa…
Phố chợ mỗi ngày một thêm sầm uất vì trên bến dưới thuyền từ Lục tỉnh lui tới mang hàng lên, mua hàng về. Khi tờ báo “Lục Tỉnh Tân Văn” xuất bản, lúc đầu cũng tới đây thuê hai căn phố lầu để làm tòa soạn cho tiện việc giao dịch với các cộng tác viên ở Lục tỉnh lên xuống. Các tay cai tổng, hương chức, điền chủ từ Lục tỉnh đi ghe thuyền, tàu đò lên thành phố chơi hay mua sắm đồ đều đến khu chợ Bến Thành này thuê nhà trọ trú đêm, vì nơi đây thuận tiện cho việc đi lại, mua bán.
Được ít năm, ngôi chợ Bến Thành này cũng được dời đi vì người Pháp lấp con kinh làm đường lớn chạy từ mé sông tới Tòa Đô Chính với những cơ sở của người Pháp được lập ra như Sở Ngân Khố, Sở Thương Cảng và con đường mang tên Charner, tên một sĩ quan thủy binh Pháp.
Ngôi chợ Bến Thành cũ được dời về địa điểm mới, nhưng khu phố chợ cũ người Hoa vẫn duy trì những quán cà phê, hủ tíu và hiệu thuốc bắc. Những sản phẩm của người Hoa bán như miến Tàu, bóng cá, vi cá, sâm nhung, yến sào được mở ra san sát bên nhau. Rồi tiện bến sông, chiều chiều người dân chài lưới bên rạch gần đó mang tôm, cá, cua tươi và rau quả lên bán ở khu phố này. Vì vậy người ta gọi là Chợ Cũ. Ngày nay Chợ Cũ vẫn còn duy trì và nhóm mỗi ngày.
Chợ Bến Thành hiện nay gọi là chợ “Bến Thành mới” hay gọi là “Chợ mới Saigon” cũng vậy. Khi người Pháp có dự án chỉnh trang mở rộng đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn, người ta đã cho dời chợ Bến Thành cũ từ đường Kinh Lấp, Nguyễn Huệ về khu Bùng Binh ở giữa trục lộ như Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Lê Lợi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Ngôi chợ này được khởi công xây dựng đầu thế kỷ 20, khoảng năm 1912 đến năm 1914 mới hoàn thành.
Ngôi chợ Bến Thành mới được xây cất trên một khu đất khoảng 10.000 m2, nằm quanh bởi 4 con đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Chợ được xây bằng gạch, cột kèo sắt, mái ngói, có cột tháp cao treo đồng hồ để cho khách đi chợ xem giờ.
Ngày khánh thành chợ “Bến Thành mới” lúc đó được tổ chức rầm rộ. Người từ các tỉnh được báo trước một tháng nên khắp nơi người người nô nức hẹn nhau đến ngày khai trương chợ để tới mua sắm và ngắm cảnh chợ mới. Các người Hoa, người Ấn… cũng đổ xô tới mua sạp để bày bán thuốc điếu, tơ lụa, thực phẩm.
Hiện vật:
- Các phương tiện đo lường: Thước đo vải bằng gỗ cẩn ốc.
- Các loại cân: Cân đòn gỗ 150kg, cân đòn sắt 150kg, cân xích 13kg, cân đĩa 10kg, cân treo tự động. Các quả cân bằng đồng xưa độc đáo ở chỗ mỗi quả cân được đúc một kiểu khác nhau, mỗi quả có hoa văn khác nhau…