Trong tháng 5 vừa qua bảo tàng thành phố đã sưu tầm được 150 danh mục tài liệu giấy từ nhà sưu tập Lê Hoan Hưng, qua đánh giá bước đầu của Hội đồng Khoa học đây là:
- Những hiện vật gốc, niên đại xưa nhất là tờ “Công đồng truyền” năm 1796 (Cảnh Hưng Ngũ Thập thất niên) và tài liệu muộn nhất là “Nghị Định của Hội đồng Chính Phủ về điều chỉnh địa giới hành chánh một số quận TP.HCM” năm 1976.
- Những văn bản Hán – Nôm có đóng dấu của Vua, Quan dưới thời các Chúa Nguyễn, triều Nguyễn là những tài liệu khá độc đáo và quý hiếm, nó đánh dấu một giai đoạn hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ; có liên quan đến lịch sử nhân vật ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định (Ví dụ: về nhân vật Trần Văn Thành, người ở thôn Tân Thành, tổng Tân Long, huyện Tân Bình, phủ Gia Định làm quan dưới thời Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn.). Những tài liệu này cũng góp phần về việc nghiên cứu địa lý hành chánh Gia Định, nghiên cứu về phẩm trật, chức tước quan lại; thể thức, quy chế đóng ấn triện thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
- Những văn bản Hán –Nôm, Pháp và Việt trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là tập hợp tư liệu phản ánh nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội ở Sài Gòn – Gia Định nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung: hôn nhân ( giấy mời đám cưới, hôn thú, giấy ly hôn), gia đình ( khai sinh, khai tử, di chc, giấy cho con ở đợ) giáo dục (đơn đăng ký danh sách thực tập sinh, giấy cấp bằng sơ học, văn bằng sơ học) thương mại (giao uớc nhượng quyền vận tải lúa, đấu thầu xây dựng) địa chính (bản đồ, sơ đồ đất, bằng khóan), xây dựng cơ sở hạ tầng (cầu, đường, nhà đèn), giao dịch dân sự (bán nhà, đất, ruộng, cho thuê đất, muợn nợ, cầm cố). …Những tài liệu này góp phần tái hiện lại một phần đời sống xã hội vùng đất Sài Gòn -Gia Định và Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc cho đến năm đầu trước giải phóng…
Sắp tới bảo tàng sẽ bổ sung những hiện vật này trong các phòng trưng bày tại bảo tàng.
Đây là tờ chỉ dụ bằng chữ Nôm của Nguyễn Ánh ban cho tướng sĩ trong dịp duyệt binh ở Gia Định ngày 26 tháng 3 năm Canh thân (19. 04. 1800), đã được Phan Trần Chúc công bố trong Văn chương quốc âm về thế kỷ XIX, Khai Trí, Sài Gòn, 1960, tr. 46 – 49 nhưng với một văn bản có khác đôi chút so với văn bản này.
|