Hòa trong không khí cùng cả nước và Thành phố thiết thực kỷ niệm 69 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2014), 69 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bảnTuyên ngôn Độc lập (02/9/1945 – 02/9/2014), ngày 19 tháng 8 năm 2014, được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Nội vụ phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề “Hồ sơ cán bộ đi B của Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) qua tài liệu lưu trữ”.
Sau Hiệp định Geneve năm 1954, đáp lời Đảng gọi, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ miền Nam, trong đó, có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định tập kết ra Bắc để học tập, công tác và từ năm 1959 đến trước ngày 30/4/1975, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ ấy được Nhà nước bí mật cử về miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố trong 2 năm 2012, 2013 Sở Nội vụ đã tổ chức tiếp nhận 1.920 hồ sơ cán bộ đi B của Thành phố Hồ Chí Minh do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III trao lại. Từ đó, Thành phố đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm địa chỉ của cán bộ đi B và thân nhân của cán bộ đi B, đến nay đã tìm được gần 300 địa chỉ của cán bộ đi B.
Với những hình ảnh và hiện vật tiêu biểu được chọn và khoảng hơn 1.000 hồ sơ cán bộ đi B trưng bày đã góp phần gợi cho người xem những kỷ niệm khó quên một thời hào hùng của những lớp người đi trước với tinh thần:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Trong dịp này, Họa sĩ Phạm Thanh Tâm (Huỳnh Biếc) cũng đã trao tặng các ấn phẩm cho Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, gồm:
– “Dung dăng dung dẻ, Truyện và ký”, NXB Trẻ, 2014. |
– Đường 9 Khe Sanh, tranh ký họa kháng chiến chống Mỹ” NXB Trẻ, 2012. |
– “Route 9 – Khe Sanh, Paintings and drawings of Resistance War against America”. |
– “Trang sử vàng Điện Biên Phủ”, NXB Thời Đại, 2014. |
Triển lãm kéo dài 15 ngày (từ ngày19/8/2014 đến ngày 02/9/2014), đó là thời gian để cán bộ đi B và những người thân của cán bộ đi B tìm lại hồ sơ người thân của mình.