ThS. Nguyễn Võ Đăng Khoa
Phòng Giáo dục – Truyền thông và quan hệ công chúng
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Sài Gòn, Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ đã tổ chức Lễ Độc lập, thu hút hàng triệu người đổ về quảng trường Norodom, chờ đón thời khắc lịch sử này.
Theo kế hoạch, buổi lễ cử hành đúng 2 giờ chiều. Tuy nhiên, từ 12 giờ trưa, các đoàn thể, quần chúng, các toán dân quân từ trong các trụ sở, các vùng ngoại ô và người dân Sài Gòn đã tập trung tại lễ đài, tạo thành một biển người chưa từng thấy (1).
Theo dự kiến, Ban Tổ chức sẽ tiếp sóng bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc trên làn sóng 32 mét của Đài Phát thanh Bạch Mai (Hà Nội). Thế nhưng, do đài phát (ở Hà Nội) và máy thu (ở Sài Gòn) đều quá cũ kỹ, nên việc tiếp sóng không thực hiện được. Để trấn an quần chúng, Ban Tổ chức đề nghị Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu.
Ông Trần Văn Giàu suy nghĩ vài phút, ghi vội lên giấy mấy ý chính, rồi bước lên lễ đài và phát biểu với nhân dân Nam Bộ. Ông nói (2):
““Việt Nam, từ một nước thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập.
Việt Nam, từ một đế quốc, đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa.
Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu.
Hôm nay, tuân theo mạng lịnh của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm Lễ Độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên”.
Ông nhắc nhở đồng bào:
“Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (…). Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ”.
Sau khi đề cập đến việc thực dân Pháp “toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên 25 triệu đồng bào”, ông nêu ra câu hỏi :
“Ở đây có ai thừa nhận một vị toàn quyền cai trị xứ ta không?
Có ai chịu bó tay cho chế độ thực dân ra mặt hay giấu mặt trở lại không?
Một triệu người có mặt tại buổi lễ đồng thanh trả lời:
“Không! Không! Không!”.
Kết thúc bài diễn văn, ông kêu gọi đồng bào “cương quyết chống mọi sự xâm lăng” và “hãy sẵn sàng chiến đấu”” (3).
Ngay sau đó, Tổng Thư ký Tổng Công đoàn Nam Bộ Nguyễn Lưu thay mặt nhân dân Nam Bộ long trọng tuyên thệ: “Chúng tôi xin cương quyết một lòng ủng hộ Chánh phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam lần nữa thì chúng tôi quyết:
– Không đi lính cho Pháp.
– Không làm việc cho Pháp.
– Không bán lương thực cho Pháp.
– Không dẫn đường cho Pháp” (4).
Tiếp đó những người tham dự đã toả đi các ngả đường tuần hành. Từ đại lộ Norodom, một tốp đổ xuống đường Cartinat (nay là đường Đồng Khởi), một tốp khác vào đường Taberd (nay là Nguyễn Du), giăng biểu ngữ được viết bằng các thứ chữ Anh – Mỹ, Nga, Pháp và Việt Nam:
“Độc lập hay là chết”
“L’Indépendance ou la mort”.
“Independence or death”.
“Việt Nam dân chủ muôn năm”.
“Vive le Viet Nam démocratique”.
“Viet Nam democracy for ever”.
“Đả đảo thực dân Pháp” (5).
Bài phát biểu của đồng chí Trần Văn Giàu không chuẩn bị trước, nhưng ý tưởng của ông sâu sắc, giọng của đồng chí hùng hồn, thu hút tâm hồn cả triệu người có mặt trong buổi lễ. Đây được xem như bản hùng văn của mảnh đất phương Nam, bên cạnh bài hịch của Trương Định, văn tế của Đồ Chiểu… Ngoài ra, bài diễn văn ngày 02/9/1945 của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ đã một lần nữa kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ.
——
Tài liệu tham khảo
(1) Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky, Thoáng nhớ một thời, Nxb. Trẻ, 1999, tr.68-69.
(2) Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến – tập I (1945 – 1954), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thât, Hà Nội, 2010, tr.238..
(3) Trần Tấn Quốc, Saigon, Septembre 1945, báo Việt Thanh xuất bản, Sài Gòn, 1947, tr.8-11.
(4) Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến – tập I (1945 – 1954), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thât, Hà Nội, 2010, tr.238-239.
(5) Trần Tấn Quốc, Saigon, Septembre 1945, báo Việt Thanh xuất bản, Sài Gòn, 1947, tr.12.