Cách đây 76 năm, đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp dựa vào quân Anh, tiến hành gây hấn đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Trước hành động Pháp công khai tiến hành chiến tranh xâm lược, sáng ngày 23/9/1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở Cây Mai – Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5) diễn ra cuộc họp khẩn cấp của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Hội nghị đã đi đến quyết định: Đồng thời với việc gửi điện cấp báo ra Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin chỉ thị, là phải phát động nhân dân kháng chiến. Sau đó, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ chỉ đạo thành lập Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch, Huỳnh Đình Hai và Từ Văn Ri làm Ủy viên. Sáng ngày 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ – Đồng chí Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ :
“…Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, quân dân tự vệ!
Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!”
Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ
Mặt trận Sài Gòn được chia thành hai mặt trận: mặt trận nội thành và mặt trận ngoại thành. Mặt trận nội thành có nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy các cơ sở, phương tiện vật chất của địch. Các đơn vị của mặt trận ngoại thành chia nhau trấn giữ các cầu, bao vây cô lập địch trong nội thành, ngăn chặn các đường rút quân của địch ra ngoại thành và các tỉnh lân cận. Cùng với cuộc chiến đấu ngoan cường của các lực lượng vũ trang cách mạng, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn thực hiện triệt để bao vây, triệt để vườn không nhà trống, bất hợp tác với địch, Sài Gòn trở thành một “thành phố chết”: không điện, thiếu nước, thiếu lương thực, thực phẩm, không có hoạt động sản xuất mua bán,… mặt trận này đã gây ra nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược.
Một khu phố ở Sài Gòn thực hiện tiêu thổ kháng chiến sau ngày 23/9/1945
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân, dân Thành phố vì độc lập, tự do của Tổ quốc làm nức lòng quân, dân cả nước. Tại Hà Nội, ngay sau khi nhận được điện báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tại Bắc Bộ Phủ, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, đồng thời kêu gọi quân dân cả nước hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến. Ngày 26/9/1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước!
“Hỡi đồng bào Nam Bộ!…
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”…
Bằng sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định đã nêu cao ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu anh dũng, kìm chân, tiêu hao nhiều sinh lực địch, khiến Pháp bị động, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ chuẩn bị lực lượng đối phó khi quân Pháp mở rộng chiến tranh.
“Mùa thu rồi, ngày hăm ba” là một mốc son quan trọng, là minh chứng chặng đường lịch sử đầy khó khăn thử thách của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định, cùng quân dân Nam Bộ đã “đi trước” với ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ mà lịch sử giao phó, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.