Nam Kỳ Khởi nghĩa 1940
Sau Hội nghị mở rộng của xứ ủy Nam Kỳ (7/1940) tại Mỹ Tho, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử ra Bắc báo cáo và xin chuẩn y cho khởi nghĩa Nam Kỳ. Trung ương đã nhận định đây là thời gian chưa phù hợp nên cần phải hoãn cuộc khỏi nghĩa ở Nam kỳ. Khi Phan Đăng Lưu vừa về tới Sài Gòn thì bị bắt, lệnh khởi nghĩa đã phát ra nên không kịp hoãn lại.
Đêm 22 rạng 23/11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ ở 13 tỉnh, thành trong tổng số 21 tỉnh thành ở Nam kỳ. Khởi nghĩa diễn ra quyết liệt ở Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và nhiều địa phương khác. Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên lệnh khởi nghĩa không được thực hiện thống nhất, chính quyền thực dân đã bố trí lực lượng và kế hoạch đàn áp từ trước.
Tại Gia Định, đúng 0 giờ ngày 23/11/1940, quân du kích đồng loạt tiến công các đồn bót địch ở Lăng Cha Cả, Vườn Tiêu, ngã năm Vĩnh Lộc, Phú Lâm và trên khắp các hướng tiến quân vào quận lỵ Hóc Môn nhân dân cắt dây điện thoại, đốn cây chặn đường, phá một số cầu từ Sài Gòn đi Tây Ninh. Ở Lăng Cha Cả, quân du kích thu được 9 súng. Ở khu vực Hóc Môn, quần chúng các xã thuộc tổng long Tuy Hạ, Long Tuy Thượng, Bình Thanh Trung, với dao găm, rìu, búa tiến chiếm nhà việc xã, cướp súng tề làng, đốt cầu Bông, gỡ ván cầu Rạch Trà, chặn đánh nhiều tốp lính Pháp hành quân từ Sài Gòn lên cứu viện, thu 15 súng trường. Sau đó, lực lượng du kích chia làm hai bộ phận, một bộ phận khác về Tân Mỹ, Bình Lý, Phước Vĩnh An, tập trung xây dựng thành “đội nghĩa quân Hóc Môn – Gò Vấp – Đức Hòa”, gồm 150 người, 28 súng trường, 8 súng lửa, có tổ chức và ban chỉ huy quân sự chung. Sau đó, lực lượng rút lên khu vực rừng Truông Mít (Tây Ninh, căn cứ cũ của ngĩa quân Trương Quyền) xây dựng căn cứ.
Tại Chợ Lớn, lực lượng du kích tập trung ở Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, Cần Đước, mỗi nơi có từ 400 đến 500 người. Cuộc khởi nghĩa nổ ra gần như đồng loạt và rộng khắp, đặc biệt diễn biến quyết liệt ở hai quận Đức Hòa, Trung Quận. Ở một số xã, ngụy quyền cơ sở tan rã hoặc tê liệt hoàn toàn, nhân dân làm chủ xã ấp trong nhiều ngày. Quân du kích thu được một số súng, sau đó nhập với lực lượng vũ trang Gia Định.
Chiếc lò rèn – dùng rèn vũ khí chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp dã man, nhưng qua cuộc khởi nghĩa này, đảng viên và quần chúng cách mạng được thử thách, tôi luyện và trưởng thành. Qua đó, lãnh đạo cách mạng cũng rút ra được những kinh nghiệm quý báu về đấu tranh bằng bạo lực cho giai đoạn tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.