Năm 1993, Sở Lao động Thương binh và xã hội đã tiếp nhận kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 và Đại đội 301, Tiểu đoàn 8, Phân khu 1 Sài Gòn – Gia Định hy sinh vào khoảng năm 1971. Kỷ vật được tìm thấy trong đợt đi khai quật hài cốt liệt sĩ ở nông trường cao su Nguyễn Văn Tiến (Thanh An, Thanh Tuyền, xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) – thuộc khu vực “Tam giác sắt” – gồm có Củ Chi (Gia Định), Trảng Bàng (Tây Ninh), Bến Cát (Bình Dương). Kỷ vật được chuyển giao về Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1997.
Kỷ vật là “Thùng đạn đại liên”, (số ký hiệu: BTTPHCM 1980), trong đó chôn giấu tư liệu, tài liệu học tập, sổ tay, khăn tay, thư từ, tập ghi chép, thước, bảng tính của pháo binh, bản đồ không ảnh quận Củ Chi, giấy khen, giấy chứng nhận, danh sách cán bộ, ảnh các tử sĩ của Tiểu đoàn 8, các báo cáo, bản thành tích, tổng kết và biên bản đại hội Chi bộ của Tiểu đoàn 8, Phân khu 1… (số ký hiệu: BTTPHCM 1980 đến BTTPHCM 1987), tổng số khoảng hơn 31 hiện vật.
Những bức thư bị nhàu, rách và nhạt nhòa nét mực khi được đưa lên khỏi lòng đất, tuy nhiên đó là những kỷ vật cuối cùng còn lại của người đã khuất, vô cùng thiêng liêng và quý báu.
Thư anh Nguyễn Đăng Tắng viết ngày 19/11/1971: “… đã lâu Tắng cùng Thơ sống chung nay cũng xa nhau khá lâu rồi, điều kiện gặp tâm sự cùng Thơ cũng ít cho nên bạn bè cũng cảm thấy nhớ nhung nhiều Thơ ạ. Chả gì cũng là đồng hương mình tranh thủ biên gửi Thơ mấy dòng…mình rất nhớ ông bạn nhưng chỉ hỏi thăm sơ lược thôi. Tắng mong Thơ về đơn vị chơi, Tắng sẽ tâm sự và nói với Thơ rất nhiều chuyện, chuyện quê hương, rồi nhiều chuyện khác nữa… Thơ không về chơi hãy biên thư ngay cho tụi mình nhé! Có đi đâu cũng nhớ mấy thằng đồng hương này nhé…”
Những lời lẽ trong bức thư thật giản dị, mộc mạc, nhưng chất chứa tình cảm dạt dào giữa những đồng đội, bạn bè, đồng hương, tình làng nghĩa xóm. Mặt sau bức thư, anh Tắng nhắn gởi cho đồng hương những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, gần gũi, thân thương của nơi chôn nhau cắt rốn thông qua lời bài hát “Hát cùng giòng thác quê em” (sáng tác: Xuân Giao).
Thư ngày 29/12/1967 của anh Mười Tấm gửi anh Trọng phảng phất niềm phấn khởi tự hào, lòng tin tưởng vào con đường mình đã lựa chọn, niềm tin mãnh liệt về sự chiến thắng của cách mạng giải phóng dân tộc: “Hôm nay viết thư cho anh trong một ngày mà tất cả mọi người đang rộn rịp để đón mừng Xuân mới, đó cũng là một ngày liên quan vui Xuân phấn khởi của chúng ta… ngày nay Mười Tấm và Trọng vẫn còn sống và chiến đấu trong hàng ngũ Cách mạng, thì điều đó vui sướng biết bao. Chúng ta đều lớn lên và trưởng thành trong đội ngũ Cách mạng, sung sướng biết bao, đẹp đẽ biết bao. Thôi chúng ta cùng nhau nỗ lực phấn đấu để noi gương theo những anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé…”
Những vết thương do chiến tranh đã làm cho các anh không thể cống hiến được nhiều hơn trong công tác, nên rất ưu tư, phiền muộn và cả đau đớn nữa, nhưng vẫn không bi quan mà tự nhủ mình, động viên nhau cố gắng vượt qua và hơn thế nữa, họ đã tiếp sức cho nhau cả về tinh thần lẫn vật chất.
Thư của anh Sĩ Hoàn gửi anh Thơ ngày 30/05/1971, viết: “Tao nhận được thư mày, tao phấn khởi lắm, vì biết được sức khỏe của mày. Ráng cố gắng nhé mày. Còn tao, sức khỏe vẫn như ngày ở bên ấy với mày thôi. Tao xuống C10 khám 2 lần, song vẫn không tìm ra căn bệnh, ngực vẫn còn đau, nó cứ nóng bỏng… Tao khổ tâm lắm, muốn khóc như chơi ấy… sức khỏe có hạn, vì bệnh thì đâu có công tác nặng được. Hừ! thật khổ tâm lắm mày…Vừa rồi tao nhận trà đường mày cho, xong đừng cho nữa mày nhé. Tiền đâu mà mua. Lính mà!” Cuối thư, như một linh cảm những gì sẽ đến không thể tránh khỏi, anh Sĩ Hoàn ghi: “Tao xa mày nhé. Bạn cố tri.”
Một bức thư viết dở dang, chưa có đoạn kết, không ghi tên người gửi, không điền ngày tháng, có lẽ của anh Thơ trả lời thư anh Tắng vì trong thư có xưng tên khi đặt câu hỏi: “Sao? Ông đi công tác về chắc gặp nhiều vất vả nhỉ? Có sốt sắng gì không? Ông mới về chắc chưa sốt đâu. Thời gian… thì sẽ biết sự thay đổi của khí hậu Dương Minh Châu và dưới này. Thời gian sau rồi cũng quen thôi… Hòm thư thì không biết nên thư từ cũng không ghi được tình cảm bạn bè cùng quê. Vì điều kiện công tác của Cách mạng nên chúng mình mới xa nhau, phải không ông Tắng? Chúng ta quen và hiểu chữ “Cách mạng” nó như thế nào thì mình cần châm chước và dễ tha thứ cho bạn bè… sức khỏe thì yếu nhiều vì bệnh tật liên tục…”
Đọc đến những đoạn này, chúng ta không ngăn được dòng nước mắt tuôn trào, vì xúc động, vì thương các anh, tình cảm vô bờ bến dành cho bạn bè, đồng đội, đồng hương luôn nung nấu trong tâm khảm của mỗi người lính, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn bền lòng chặt dạ với con đường mình đã chọn.
Dù khó khăn gian khổ trong chiến đấu, công tác, họ vẫn sưu tầm, chịu khó chép tay trên trang giấy học trò các bài hát truyền thống, như: “Chào đoàn công binh hỏa tiễn” (sáng tác: Lê Lôi); “Quảng Bình quê ta ơi” (sáng tác: Hoàng Vân).
Một bài viết thể loại văn xuôi, có gieo vần, nửa văn xuôi, nửa thơ tự do, với nét bút viết tay nắn nót, mềm mại, uyển chuyển, lời văn súc tích, cô đọng, hình ảnh sinh động, mang đậm nhiệt huyết, khí phách của người lính, tràn đầy cảm xúc mùa Xuân với tựa đề: “Mùa Xuân tâm sự” của tác giả Đan Thanh:
“…Đêm giao thừa, thao thức mãi với Xuân.
Gió rít đêm sương, xạt xào cành lá,
Tình rạt rào, như đã thấy hương Xuân…
Xuân Quê hương, Xuân chiến thắng oai hùng.
Một mùa Xuân cả dân tộc vùng lên.
Đập tan nát xích xiềng nô lệ…
Rất đẹp đẽ những con người anh dũng,
Đem tuổi Xuân đi theo đường Cách mạng.
Dù nguy nan, gian khổ không sờn lòng.
Mỗi bước đi đem lại một chiến công…
Cho hoa nở, cho mùa Xuân rạng rỡ…
Tin ngày mai chiến thắng sẽ về ta.
Cả dân tộc hưởng mùa Xuân trong sáng…”
Tinh thần lạc quan tin tưởng về ngày chiến thắng của đất nước mãi ngân vang, chất chứa trong từng câu, từng chữ rộn rã, hào sảng, hùng tráng, đậm chất lính Cụ Hồ.
Những bức thư của các chiến sĩ Tiểu đoàn 8 gửi cho nhau, hỏi thăm nhau, quan tâm đến nhau, chép tặng nhau những bài hát truyền thống về quê hương đất nước, đó chính là động lực, món ăn tinh thần giúp các anh cùng đồng đội, động viên nhau vượt qua những tháng ngày gian khổ, ác liệt của chiến tranh.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng, gìn giữ từng kỷ vật của các anh – những người đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp chung của dân tộc: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
Lê Hoàng Anh (Phó Trưởng Phòng Kiểm kê – Bảo quản)