Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày ngày 20 tháng 7 năm 1954, ở miền Nam Việt Nam, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới. Hội nghị Bộ Chính trị của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng 8 năm 1954 và Hội nghị Trung ương 8, khóa II năm 1955 đã chỉ ra: “đế quốc Mỹ là kẻ thù trực tiếp” và “nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa phải hoàn thành, cuộc đấu tranh ái quốc không vì đình chiến mà kết thúc”(1), Trung ương chủ trương miền Nam chuyển sang phương thức đấu tranh chính trị, nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập. Đồng thời, phải lãnh đạo nhân dân chống những hành động khủng bố đàn áp, đánh phá cơ sở của ta… giữ lấy những quyền lợi của quần chúng đã giành được trong kháng chiến. Với vai trò xung kích, là ngòi pháo, là lực lượng chủ công trong mũi đấu tranh chính trị, thế hệ học sinh, sinh viên đã phát huy cao độ truyền thống quật khởi của ông cha xưa, đứng lên chiến đấu vì độc lập dân tộc, hòa bình đất nước. Bài viết điểm lại những nét nổi bật trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên đô thành Sài Gòn về tinh thần kiên cường, bất khuất và sự hi sinh của bao thế hệ “tuổi xanh” anh hùng giai đoạn chống Mỹ cứu nước, góp phần làm rõ vai trò, vị trí của học sinh, sinh viên trong các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
1. Chính sách của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đối với học sinh, sinh viên tại Sài Gòn
Sau khi thiết lập ách thống trị ở miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp khác nhau nhằm mục đích tách thế hệ học sinh, sinh viên ra khỏi truyền thống dân tộc, ra khỏi quỹ đạo của cách mạng và trở thành những chiến sĩ tiền phong chống độc tài cộng sản. Để thực hiện âm mưu trên, Mỹ – Diệm ra sức áp đặt một cách có hệ thống chế độ giáo dục kìm kẹp về tư tưởng và chủ nghĩa “chống Cộng” đã trở thành trung tâm của nền giáo dục đương thời.
Trước hết, hệ thống chủ đạo trong đường lối giáo dục là đề cao “lý tưởng quốc gia”, ca ngợi “lối sống Mỹ, văn minh Mỹ”, núp bóng dưới hình thức nâng cao kiến thức, Mỹ – Diệm đã buộc học sinh phải sử dụng ngôn ngữ Anh – Pháp làm ngôn ngữ bắt buộc, nhằm làm lu mờ ngôn ngữ Việt, hình thành tư tưởng coi thường tiếng mẹ đẻ. Tiếp đó, cho thi hành một đường lối giáo dục nhằm biến hệ thống nhà trường thành những công cụ phục vụ cho những quốc sách “tố cộng, diệt cộng”, “ấp chiến lược”, hướng lòng yêu nước của giới trẻ vào việc chống “Việt Cộng”, chống miền Bắc, chống lại kháng chiến, tiêu diệt cách mạng. Đồng thời, đặt nhà trường dưới sự kiểm soát gắt gao của mật thám với khẩu hiệu “Sinh viên, học sinh chỉ lo học, không được làm chính trị”, bắt bớ tù đày, máy chém, dọa nạt đối với những ai dám chống lại, đẩy mạnh các hoạt động khủng bố với lý do đảm bảo “an ninh công cộng” và “sẵn sàng tiêu diệt ngay những học sinh nào xét thấy có những hành vi quá khích”.
Chính sách xâm lược của Mỹ tại miền Nam nói chung, mà trực tiếp là chính sách giáo dục thực dân mới của Mỹ – Diệm là một trong những nguyên nhân sâu xa làm bùng nổ mạnh mẽ các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên tại đô thị Sài Gòn. Từ trong thực tiễn của phong trào, ý thức đoàn kết, tương trợ trong giới học sinh, sinh viên ngày càng được củng cố và có những bước phát triển đáng chú ý.
2. Truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn 1954 – 1975
2.1. Phong trào học sinh, sinh viên giai đoạn 1954 – 1959
Giai đoạn từ 1954, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam gặp nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề khi phải đương đầu với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ, hùng mạnh cả về lực lượng lẫn phương tiện chiến đấu. Các phong trào của học sinh, sinh viên yêu nước trong giai đoạn này chủ yếu dưới hình thức viết bài đăng trên các báo phát hành công khai, gây dư luận phản đối chế độ độc tài hà khắc, chống chính sách giáo dục nô dịch phản động, yêu cầu hiệp thương tổng tuyển cử Bắc Nam đúng theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ… Sang năm 1957, các phong trào của học sinh, sinh viên đã tập hợp được lực lượng đông đảo hơn, đấu tranh liên tục và rộng rãi hơn như các phong trào: bảo vệ hàng nội hóa với khẩu hiệu “Dùng hàng nội hóa là yêu nước”; tham gia biểu dương lực lượng ngày quốc tế lao động ngày 01 tháng 5; xuống đường đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; tham gia xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật lành mạnh trong giới học đường thông qua âm nhạc, thơ ca, vũ kịch… nhằm ca ngợi quê hương, đất nước, phát huy truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nhìn chung, đối với phong trào học sinh, sinh viên đây là giai đoạn gian khổ xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch và mở rộng quan hệ quần chúng. Tuy các phong trào trong giai đoạn 1954 – 1959 về hình thức đấu tranh còn nằm trong khuôn khổ ôn hòa, hợp pháp, nhưng với khí thế ngày càng phát triển rộng rãi được đông đảo quần chúng tham gia, đã từng bước vạch trần chế độ thực dân xâm lược của Mỹ, khẳng định bản chất ngụy tạo quốc gia và các thủ đoạn lừa mị của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
2.2. Phong trào học sinh, sinh viên giai đoạn 1960 – 1964
Cao trào Đồng Khởi khắp nông thôn miền Nam đã kích thích các đô thị vùng lên mạnh mẽ. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời phất cao ngọn cờ cứu nước, các đô thị tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang theo đường lối mới của cách mạng miền Nam. Ngày 09 tháng 01 năm 1961, Hội Liên hiệp sinh viên, học sinh giải phóng miền Nam được thành lập, từ đây phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên cũng chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn trưởng thành về tổ chức. Nét nổi bật trong các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên trong giai đoạn này là: đấu tranh chống khủng bố, chống đàn áp, đòi lật đổ Ngô Đình Diệm, bảo vệ thanh niên, chống bắt lính… Đặc biệt, khi phong trào đấu tranh của Phật giáo bùng nổ, học sinh, sinh viên đô thị Sài Gòn hưởng ứng mạnh mẽ, nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Diệm của Giáo hội Phật Giáo và đồng bào Phật tử. Trước hành động đàn áp dã man, chiến dịch “nước lũ” tấn công, đánh đập và giam cầm các tăng ni, Phật tử đã làm cho làn sóng căm phẫn trong nhân dân dâng cao tột độ. Ngày 25 tháng 8 năm 1963, đoàn biểu tình có hơn 5.000 học sinh, sinh viên có mặt tại công viên Diên Hồng (nay là bùng binh chợ Bến Thành, Quận 1), đi đầu là một tốp nữ sinh áo dài trắng cầm trên tay các biểu ngữ, cảnh sát Sài Gòn dàn quân đội nổ súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình, nữ sinh Quách Thị Trang trúng đạn tử thương, nhiều sinh viên, học sinh khác bị thương… Sau cuộc biểu tình, sinh viên, học sinh trở thành đối tượng khủng bố, đàn áp của chính quyền, có hơn 4.000 học sinh các trường tại Sài Gòn bị bắt giữ vì tham gia các hoạt động bãi khóa, đấu tranh và xung đột với cảnh sát. Một năm sau ngày diễn ra sự kiện, trong vòng kiềm tỏa của cảnh sát và mật vụ Sài Gòn, tượng đài tưởng nhớ nữ sinh Quách Thị Trang được dựng ngay công viên Diên Hồng, nơi cô đã hô vang lời đả đảo và trút hơi thở cuối trong bộ áo dài truyền thống dân tộc. Tượng đài đặt giữa lòng Thành phố như sự biểu dương về tinh thần ý chí kiên cường, sức chiến đấu bền bỉ và không lùi bước của thế hệ tuổi xanh anh hùng“Sinh viên và học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu… Đồng bào hãy cùng sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc”(2).
Ngày 02 tháng 11 năm 1963, ngay sau khi chế độ độc tài gia đình trị Diệm – Nhu bị lật đổ, học sinh, sinh viên và đồng bào Thành phố tổ chức các cuộc biểu tình, mittinh diễu hành qua các đường phố nêu cao các khẩu hiệu “Đánh đổ chế độ độc tài phát xít”, “Phải thực hiện tự do dân chủ”, “Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam”… Ngày 16 tháng 8 năm 1964, ngụy quyền Nguyễn Khánh với danh xưng “Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa” đã cho ra đời “Hiến chương Vũng Tàu”, mà thực chất là thiết lập chế độ độc tài quân phiệt. Ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối, chất vấn của 200.000 người dân Sài Gòn mà trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên. Trước sức ép quá lớn của phong trào và hòng xoa dịu dư luận, 12 giờ ngày 25 tháng 8 năm 1964, chính quyền Nguyễn Khánh ra tuyên cáo “Thu hồi Hiến chương”.
Có thể nhận thấy, thời kỳ năm 1960 – 1964 các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên đã góp phần phát huy được sức mạnh của toàn dân, mà cao điểm là làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm, bác bỏ thiết lập mọi nội các tàn dư chế độ Diệm, tiến tới chống can thiệp Mỹ. Các tổ chức công khai, bán công khai đều được thành lập khắp các trường, từng bước tích lũy thế và lực, tạo ra những điều kiện thuận lợi để cao trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và các tỉnh thành phát triển mạnh mẽ.
2.3. Phong trào học sinh, sinh viên giai đoạn 1965 – 1968
Theo đà chiến thắng ngày càng lớn của Quân Giải phóng ở khắp các chiến trường, học sinh, sinh viên đã không ngừng giương cao ngọn cờ đấu tranh chống bọn tay sai phản quốc, chống sự xâm lược ngày càng trắng trợn của đế quốc Mỹ. Thực tế đấu tranh yêu nước, học sinh, sinh viên vẫn luôn thể hiện được sự hăng hái, xung kích và gan dạ. Dù đã bị bắt, tù đày, tra tấn và hành hình, những ngọn lửa cách mạng vẫn luôn bốc cao ngùn ngụt, chưa phút nào lụi tàn. Tính đến tháng 6 năm 1965, chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam đã hứng chịu 12 cuộc đảo chính lớn nhỏ, 8 lần thay đổi chính phủ, 4 lần thay đổi hiến pháp.
Từ tháng 7 năm 1967, sinh viên, học sinh và nhân dân miền Nam dấy lên phong trào đấu tranh chống trò hề bầu cử tổng thống gian lận (ngày 03 tháng 9 năm 1967) và bầu cử nghị viện (ngày 22 tháng 10 năm 1967), nhiều cuộc xuống đường và khẩu hiệu “Cuộc bầu cử ngày 3 tháng 9 năm 1967 là một trò hề được dựng lên bởi bàn tay của Mỹ”, “Chấm dứt chiến tranh miền Bắc Việt Nam”, “Mỹ phải rút quân đội của họ”,… Học sinh, sinh viên đô thị Sài Gòn nỗ lực dựng lên tổ chức công khai Tổng đoàn Học sinh sinh viên đã giành được ngọn cờ hiệu triệu là Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, cùng với các công cụ phát động quần chúng như Đoàn Văn nghệ, Báo chí, Hội Sinh viên sáng tác, Xuất bản, Đoàn Công tác xã hội,…
Cùng với các hoạt động, công tác chuẩn bị Xuân Mậu Thân 1968 cũng được khẩn trương thực hiện. Cuối năm 1967, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đã họp Hội nghị công tác đô thị, Hội nghị đã chỉ ra mục tiêu đánh thẳng vào các đô thị và trung tâm đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đồng thời phương hướng hoạt động cho sinh viên, học sinh trong thời kỳ mới: “Giương cao ngọn cờ đấu tranh chính trị công khai, tập hợp đông đảo các lực lượng quần chúng, đi sâu vào khóm, phường, các xí nghiệp, trường học,… để phát động quần chúng đứng lên giành quyền làm chủ, thành lập các đội vũ trang trừng trị bọn phản động ác ôn, phá ách kìm kẹp của địch, bảo vệ thành quả cách mạng”(3). Trong khí thế Mậu Thân hừng hực, đêm văn nghệ “Tết Quang Trung” là một hình thức diễn tập, tập hợp lực lượng đầy sáng tạo, dũng khí, là sự chuẩn bị tích cực trước giờ G cuộc Tổng tiến công. Tại Sài Gòn, khi Quân Giải phóng tiến vào Thành phố, học sinh, sinh viên đã đứng lên cầm súng mở các mũi tiến công; nhiều tổ, đội tỏa đi các xóm lao động, phát loa kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng; cứu trợ đồng bào, làm chỗ trú quân, ẩn giấu cán bộ. rải truyền đơn, gài mìn, treo cờ Mặt Trận… Sau khi quân ta rút khỏi thành phố, ở Sài Gòn cũng như nhiều đô thị khác, học sinh, sinh viên theo quân giải phóng về chiến khu tiếp tục tham gia kháng chiến.
Phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên trong giai đoạn này đã nhanh chóng trở thành một phong trào chống Mỹ công khai, quyết liệt bằng nhiều hình thức trong đó có bạo lực quần chúng, từng bước hình thành mũi tiến công có sức tập hợp rộng rãi lôi cuốn học sinh, sinh viên và tầng lớp nhân dân tham gia.
2.4. Phong trào học sinh, sinh viên giai đoạn 1969 – 1972
Đầu năm 1969, Mỹ ra sức khủng bố các phong trào đô thị miền Nam sau khi Quân giải phóng rút đi. Trước sự đánh phá ác liệt của địch, học sinh, sinh viên một số hy sinh, một số tù đày, một số rời ghế nhà trường lên chiến khu, một số khác cương quyết bám giữ địa bàn, bí mật xây dựng lại lực lượng chiến đấu. Trong lúc các phong trào đô thị đang dần hồi phục tại Sài Gòn, tháng 8 năm 1970 phong trào học sinh sinh, viên xuất hiện chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” thu hút rất đông học sinh, sinh viên và đồng bào tham gia. “Hát cho đồng bào tôi nghe” là sự kết hợp những đêm diễn đậm đà bản sắc dân tộc, những cuộc triển lãm tội ác chiến tranh của Mỹ, những tuần lễ “Mặc áo dài Việt Nam”, những buổi thuyết trình về văn hóa dân tộc… đã gây xúc động mạnh về tinh thần yêu nước, về tình yêu quê hương, dân tộc, tạo khí thế cho việc tập hợp quần chúng tham gia tranh đấu.
Năm 1971, cao trào đấu tranh của sinh viên, học sinh tại Sài Gòn chống bầu cử Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tại các trường học hay trên đường phố nổ ra liên tiếp rải truyền đơn, kêu gọi bãi khóa, xuống đường biểu tình với các khẩu hiệu “Còn Thiệu là còn chiến tranh”, “American go home”, “Cương quyết tẩy chay quân sự học đường”, “Tự do hay là chết”… Sự kiện gây chấn động nhất là hành động đốt xe của cảnh sát và của lính Mỹ ngay trên đường phố Sài Gòn đã trở thành hành động công khai chống đối Mỹ một cách thẳng thừng, hành động quyết tử đã nhanh chóng lan truyền, càng làm cho lính Mỹ sợ hãi, không dám nghênh ngang. Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1971, sinh viên, học sinh đốt 102 xe Mỹ, đốt thư viện Mỹ, với khẩu hiệu “Hãy biến nơi đây thành trụ sở chống Mỹ, cứu nước”, tấn công trực diện vào tòa Đại sứ quán Mỹ – nơi được xem là bất khả xâm phạm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Cao trào học sinh, sinh viên giai đoạn này có sự kết nối và phối hợp hoạt động với các phong trào phản chiến khắp thế giới. Sinh viên, học sinh liên viện và đại diện sinh viên các nước tại Sài Gòn tham gia xuống đường ra tuyên cáo chung, đòi thả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt giữ, đòi Mỹ rút quân, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, hòa giải hòa hợp dân tộc Cuộc đấu tranh diễn ra mạnh mẽ ngay trong lòng nước Mỹ và hơn 100 tổ chức quốc tế như Pháp, Đức, Anh, New Zealand… ra tuyên cáo ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân Việt Nam. Với sự phối hợp rộng rãi giữa các tổ chức, các phong trào trong nước và thế giới, phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên Sài Gòn vào những năm từ 1969 – 1972 đã có sự phát triển vượt bậc, với một lực lượng rộng lớn gồm có cả trí thức, văn nghệ sĩ, khắp các thành thị ở miền Nam Việt Nam và quốc tế, tạo ra nhiều tiếng vang lớn.
2.5. Phong trào học sinh, sinh viên giai đoạn 1973 – 1975
Trước những thất bại không thể cứu vãn được ở cả hai miền Bắc – Nam, ngày 27 tháng 01 năm 1973, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ và các nước chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Sau Hiệp định Paris, Mỹ vẫn cố bám lấy miền Nam, “hà hơi tiếp sức” cho ngụy quyền phá hoại Hiệp định, đẩy mạnh việc bắt lính, ra sức đánh phá, ngăn cấm các hoạt động công khai bán công khai trong các trường học. Về phía ta, ngay khi Hiệp định Paris được ký kết, hàng ngàn văn bản Hiệp định Paris được tuyên truyền rộng khắp, lấy đó là cơ sở, vũ khí đấu tranh với địch, “Mặt trận nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris” ra đời có sự tham gia của học sinh, sinh viên. Nhiều trường tổ chức diễn văn nghệ, vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, tổ chức các cuộc sinh hoạt trại truyền thống 09 tháng 01, tham gia rải truyền đơn cho các tù chính trị còn bị giam giữ… Từ đầu năm 1973, ta xây dựng các “lõm chính trị” trong lòng dân, đây là địa điểm hội họp bí mật, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, kho chứa vũ khí bí mật, cơ sở in ấn tài liệu cách mạng. Đây được xem là bước chuẩn bị phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ.
Vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975, khi Quân Giải phóng giành được chiến thắng dồn dập ở Tây Nguyên và miền Trung, cùng với những đòn tiến công quân sự của Quân Giải phóng, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên không ngừng lớn mạnh, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi giúp sinh viên, học sinh kịp thời đáp ứng yêu cầu đặt ra cho trận đánh cuối cùng của dân tộc. Những băng thu các bản nhạc “Tiến về Sài Gòn”, “Sài Gòn quật khởi”,… được phát liên tục trên các xe cổ động, cổ vũ lớp lớp người con yêu nước hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, tiếp quản Thành phố. Nam nữ học sinh, sinh viên nô nức xin gia nhập lực lượng tự vệ chia nhau thu gom vũ khí, hăm hở làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố, tuần tra bảo vệ an ninh cho đồng bào. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 các mũi tiến công của lực lượng học sinh, sinh viên đã chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng được chỉ định, căn nhà số 04 Duy Tân (nay là số 04 Phạm Ngọc Thạch – Nhà Văn hóa Thanh niên), giờ đây là điểm hẹn lịch sử, mừng miền Nam được giải phóng, mừng đất nước độc lập thống nhất. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả hào hùng của một quá trình lịch sử lâu dài chống xâm lược của dân tộc Việt Nam, là kết quả của 21 năm chiến đấu và xây dựng sức mạnh, chuẩn bị thế và lực, là sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng trong quá trình chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của hàng chục vạn đồng bào cả nước, trong đó có lực lượng học sinh, sinh viên Sài Gòn đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Kết luận
Trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ tại đô thị Sài Gòn từ 1954 – 1975, học sinh, sinh viên luôn được xem là “ngòi pháo phong trào” nổ ra đầu tiên trong hầu hết các cuộc đấu tranh của các giới đồng bào đô thị, với quy mô tổ chức lớn mạnh và lực lượng tham gia hùng hậu, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Các phong trào đấu tranh diễn ra liên tục, phong trào nối tiếp phong trào, người trước anh dũng ngã xuống, người sau kiên cường đứng lên, với mỗi một phong trào đều hết sức quyết liệt, tạo thành một làn sóng không gì cản nổi, góp phần đưa cách mạng ngày càng tiến lên giành thắng lợi. Với tất cả là tình yêu quê hương đất nước, yêu độc lập tự do, lòng trung thành vô hạn và ý nguyện dấn thân vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc của một thế hệ học sinh, sinh viên anh hùng chống Mỹ vẻ vang. Chúng ta hôm nay tự hào về một thế hệ tuổi xanh bất khuất, kiên trung, về những chiến công oanh liệt đương đầu đánh bại đế quốc Mỹ ở miền Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Thanh niên phải chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự nguyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà”(4).
——————
- BCH Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1998), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tập II, Nxb. TPHCM, tr. 31.
- Câu Lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn (2012), Chúng ta hãy đứng dậy, Nxb Trẻ, tr.85.
- Trần Bá Đệ (2002), Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam, tr.310.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu Thanh niên Hà Nội (Tháng 9/1945), in trong Báo Cứu Quốc, số 53, ngày 28 – 9 – 1945.