Cùng với sự hình thành vùng đất Nam Bộ, dân ca Nam Bộ đã ra đời và phát triển hàng trăm năm nay. Kế thừa văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong hành trình Nam tiến đồng thời thích ứng với các yếu tố tự nhiên và xã hội ở vùng đất mới, dân ca Nam Bộ trở thành một trong những hình thức diễn xướng dân gian mang sắc thái văn hóa Nam Bộ độc đáo. Dân ca Nam Bộ gắn bó sâu đậm với cuộc sống lao động và tinh thần của người dân phương Nam, được thể hiện vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều thể loại như: lý, ngâm thơ, hát ru, hò, vè….
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về “Dân ca Nam Bộ” nhằm giới thiệu đến các bạn sinh viên về hình thức diễn xướng dân gian này như một cách thể hiện sự trân trọng đối với di sản văn hóa nghệ thuật Nam Bộ, góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chuyên đề được tổ chức vào sáng 27/11/2012, do diễn giả Nhạc sĩ Cao Văn Lý trình bày cùng với phần biểu diễn minh họa của nhóm nhạc dân tộc – Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và các ca sĩ: Bích Phượng, Ngọc Mai, Thúy Loan, Thảo Vy…
Nhạc sĩ Cao Văn Lý được sinh ra và lớn lên trong gia đình tài tử ở Hồng Ngự – Đồng Tháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là nhạc công của đoàn văn công tỉnh Long Châu Sa. Năm 1954, ông học ở trường Âm nhạc Việt Nam và tiếp tục được đào tạo ở Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô. Nhạc sĩ Cao Văn Lý từng làm việc ở Đài phát thanh Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và là giảng viên của khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.
Với mong muốn đóng góp cho nền âm nhạc dân tộc nói chung và dân ca Nam Bộ nói riêng, trong quá trình công tác và giảng dạy từ 1975 – 1985, nhạc sĩ đã sáng tác hơn 20 ca khúc mang âm hưởng dân ca, trong đó có các điệu lý mới như : Lý Mỹ hưng, Lý Trăng soi, Lý Tư Phùng, Lý Qua cầu, Lý Đêm trăng, Lý Bông trang … đến nay, những điệu lý này đã trở nên phổ biến trong các bài vọng cổ và trên sân khấu cải lương … Đặc biệt, ông vừa hoàn thành xong công trình sưu tầm các điệu hò Đồng Tháp.
Trong phần nói chuyện về dân ca Nam Bộ, Nhạc sĩ Cao Văn Lý đã trình bày:
- Khái quát về dân ca, trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam:
– Nhạc thính phòng: Ca trù, Ca Huế, Nhạc Tài tử
– Nhạc lễ dân gian: Chầu Văn, Hát bóng rỗi.
– Nhạc sân khấu: Chèo, Tuồng, Cải lương.
- Khái quát về dân ca Nam Bộ, bao gồm:
– Hát ru,
– Ngâm thơ, Nói thơ
– Hò,
– Vè,
– Ca Lý.
- Một số bài lý, dân ca Nam Bộ, trong đời sống văn hóa nghệ thuật:
– Một số bài lý cổ truyền, khuyết danh, phổ biến rộng: lý Con sáo, lý Sâm thương, lý Lu là, lý Cây bông, lý Con khỉ…
– Lời mới cho một số điệu lý cổ truyền: cho hát dân ca, cho bài ca Tài tử, cho Sân khấu Cải lương.
– Một số bài lý mới sáng tác, phổ biến rộng: lý Qua cầu, lý Mỹ Hưng, lý Chim Xanh, lý Trăng soi, lý Tư Phùng
– Lời mới cho một số điệu lý mới: cho hát dân ca, cho bài ca Tài tử, cho Sân khấu Cải lương.
- Một số sáng tác mới cho khí nhạc, ca khúc:
– Cho độc tấu hòa tấu nhạc khí:
– Dân ca trong ca khúc
- Dân ca Nam Bộ trong đời sống cộng đồng đương đại:
– Ở nông thôn
– Ở thành thị
– Hữu nghị quốc tế.
Một số hình ảnh trong buổi nói chuyện chuyên đề: