Cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nam Bộ. Tuy ra đời sau các loại hình sân khấu truyền thống ở Bắc và Trung Bộ nhưng cải lương có một nét đặc sắc riêng biệt, mang hơi thở và tình cảm của người dân vùng đất phương Nam. Sau gần 100 năm hình thành và phát triển, cải lương được truyền từ đời này sang đời khác, không ít vở diễn đã trở thành kinh điển của loại hình nghệ thuật này.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày các hình ảnh, tư liệu về sân khấu cải lương của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh từ đầu thế kỷ XX đến nay. Kết hợp với hoạt động trưng bày này, Bảo tàng Thành phố tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về sân khấu cải lương, nhằm tạo điều kiện giúp cho học sinh, sinh viên thành phố tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương, góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Buổi sinh hoạt chuyên đề diễn ra vào sáng ngày 19/9/2012 với phần nói chuyện của Nhạc sĩ, Thạc sĩ âm nhạc Huỳnh Khải – Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh về sân khấu cải lương:
- 1.Từ phong trào Đờn ca Tài tử đến sân khấu Cải lương.
– Phong trào Đờn ca Tài tử đầu thế kỷ thứ 20.
– Sự ra đời của hình thức Ca ra bộ trong phong trào Đờn ca Tài tử.
– Nghệ thuật Đờn ca Tài tử và Hát bội đến hình thành sân khấu Cải lương.
- Dàn nhạc Tài tử trong sân khấu Cải lương:
– Nhạc khí chủ yếu.
– Sự ra đời của các nhạc khí mới, từ việc cải thiện nhạc khí Tây phương, của các nghệ nhân Tài tử. Sân khấu Cải lương sử dụng các nhạc khí này. Nhạc khí khuyếch đại âm thanh.
3.Tuồng, tích, kịch bản:
– Từ tuồng, tích, kịch bản đến thể loại tuồng cải lương: Cải lương tuồng Tàu, tuồng xã hội, giả sử, xã hội…
– Cấp độ các đoàn: tiểu ban, trung ban, đại ban.
– Chuyên môn hóa các đoàn.
- Điểm qua các thời kỳ phát triển sân khấu cải lương:
– Năm 1915, 1920, 1930, 1945, 1954, 1975, 1990, 2000, 2012
- Suy nghĩ về Nghệ thuật hát cải lương đương đại:
– Sự thể hiện, thích nghi của nghệ thuật Cải lương trong xã hội hiện đại.
– Các thể loại Cải lương trong đời sống.
– Sức sống của nghệ thuật Cải lương trong đời sống cộng đồng.
Cùng với phần nói chuyện của Nhạc sĩ, Thạc sĩ âm nhạc Huỳnh Khải còn có phần biểu diễn minh họa của các diễn viên thuộc Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử và Cải lương Sen Việt với 3 trích đoạn được trích từ các vở cải lương tiêu biểu như: Tiếng trống Mê Linh, Kiều Nguyệt Nga và Tô Ánh Nguyệt.
Buổi nói chuyện chuyên đề đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cũng như cung cấp nhiều thông tin bổ ích về loại hình nghệ thuật cải lương cho những người tham dự, là cán bộ đại diện các Bảo tàng trong thành phố, đặc biệt là 150 sinh viên đến từ trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tp Hồ Chí Minh và trường Đại học Mở Tp Hồ Chí Minh.