Sáng ngày 17/4/2013, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về Hát Bóng rỗi” do Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trình bày.
Hát Bóng rỗi là một loại hình diễn xướng nghi lễ dân gian độc đáo của Nam Bộ. Hát bóng rỗi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần trong quá trình tụ cư của người Việt tại vùng đất phương Nam. Đa số tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần ở Nam Bộ là sự kế thừa và tiếp thu các yếu tố giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Chăm, Hoa và Khmer. Vì vậy, Hát Bóng rỗi Nam Bộ cũng là một loại hình diễn xướng nghi lễ tổng hợp, trong đó tích hợp phong phú nhiều đặc điểm của các bộ môn nghệ thuật dân gian của các dân tộc.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày các hình ảnh, tư liệu về tín ngưỡng của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh từ đầu thế kỷ XVIII cho đến nay. Kết hợp với hoạt động trưng bày, Bảo tàng Thành phố đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề tìm hiểu về Hát Bóng rỗi nhằm tạo điều kiện cho sinh viên thành phố hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân Nam Bộ, góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Đến tham dự chuyên đề, có 130 sinh viên đến từ các trường: trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn và Đại học Ngoại ngữ và Tin học Thành phố Hồ Chí Minh. Trong gần hai giờ đồng hồ, các bạn đã được nghe Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giới thiệu nội dung của loại hình Hát Bóng rỗi, gồm:
- Tổng quát về hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian: Hát Bóng rỗi.
– Vài nét về tín ngưỡng và lễ hội miễu ở Gia Định – Sài Gòn.
– Giới thiệu chung về Hát Bóng rỗi:
+ Nguồn gốc của Hát Bóng rỗi.
+ Hát Bóng rỗi là hình thức diễn xướng nghi lễ tổng hợp, gồm cả ca, nhạc, múa và biễu diễn sân khấu, gồm các tiết mục: 1/ Khai tràng, 2/ Hát chầu mời- Thỉnh tổ, 3/ Múa dâng bông, 4/ Múa dâng mâm, 5/ Bán lộc, 6/ An vị và 7/ Diễn chặp bóng tuồng Địa-Nàng.
- Hát Bóng rỗi:
– Lễ khai tràng.
– Thỉnh Tổ- Chầu mời.
– Mời tiên ra tuồng.
– Trạng – Nàng xuống huê viên.
- Múa bóng:
Múa trong Hát Bóng rỗi gồm có múa Dâng bông, múa Dâng mâm và múa Đồ chơi. Đây là điệu múa nghi lễ, so với hai điệu múa đầu, múa Đồ chơi tuy cũng có chức năng “làm vui cho Bà”, nhưng ở đó, tính chất giúp vui cho lễ hội có phần nổi trội hơn.
– Nguồn gốc của múa bóng Gia Định – Sài Gòn.
– Múa Dâng bông.
– Múa Dâng mâm.
– Các điệu múa Đồ chơi: Múa hoa huệ, múa dù, múa trống chầu, múa lu, múa ghế đẩu, múa Lục bình chưng bát tiên…
- Chặp bóng – Tuồng Địa-Nàng (gọi tắt là Chặp Địa-Nàng).
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên được xem phim tư liệu “Múa Bóng rỗi” do Hãng phim truyền hình TFS thực hiện– là một trong những công trình nghiên cứu gần đây nhất của Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Phần cuối của buổi nói chuyện chuyên đề thật sự sôi động với phần giao lưu giữa sinh viên và diễn giả. Nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên được Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải đáp cũng như cung cấp thêm cho các bạn nhiều thông tin bổ ích về Hát Bóng rỗi.
Một số hình ảnh của buổi sinh hoạt chuyên đề “Hát Bóng Rỗi”