Nhằm hướng đến tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2024 với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Thư pháp Việt – Tâm hồn Việt” nhằm giới thiệu cho sinh viên và du khách có thêm những hiểu biết, trải nghiệm các giá trị của bộ môn nghệ thuật thư pháp, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị chữ Việt, văn hóa Việt trong thời hiện đại.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, du khách và sinh viên được tham quan phòng trưng bày “Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” được Bảo tàng đưa vào phục vụ du khách từ tháng 02 năm 2024.
Sau đó, khách tham quan và sinh viên được lắng nghe những chia sẻ của ThS. Nguyễn Hiếu Tín – Trưởng bộ môn Du lịch, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng khái quát về nguồn gốc, giá trị của thư pháp chữ Việt; đồng thời thấy được ý nghĩa, vai trò của thư pháp chữ Việt trong lưu giữ giá trị hồn văn hóa dân tộc Việt.
Th.S Nguyễn Hiếu Tín phân tích: “Người Việt Nam đã từ lâu trong truyền thống hiếu học và ngay trong nền giáo dục hiện đại hôm nay, vẻ đẹp của chữ viết luôn được đề cao. Ngôn ngữ dân tộc luôn được nhìn nhận toàn diện trong sự gắn bó giữa mỹ thuật trình bày chữ với thông tin biểu đạt nghĩa, gắn bó hình thức và nội dung, để từ sự nhìn nhận này đưa ra khuôn mẫu chữ tốt văn hay cho học vấn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo của mỗi người viết, làm chủ cây bút, nắm vững thư pháp khiến chữ quốc ngữ trở nên đa dạng hơn, có được vẻ đẹp thanh thoát như rồng bay phượng múa”.
“Nếu thư pháp Trung Quốc mang tính khuôn khổ, tuân theo nguyên tắc; hay thư đạo Nhật Bản liên kết chặt chẽ với thiền định, viết theo tâm trạng và nổi bật ở sự sáng tạo, cách tân trong nghệ thuật; hoặc nghệ thuật viết chữ của các nước châu Âu có tính khoa học, ứng dụng thực tế trong đời sống… thì thư pháp chữ Quốc ngữ Việt Nam chủ yếu mang tính hài hòa, là sự sáng tạo độc đáo của người dân khi kết hợp cái thần của ngọn bút lông và nét chữ quốc ngữ” Th.S Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ.
Sự xuất hiện của thư pháp chữ Việt là bước chuyển đột phá mang tính sáng tạo trong nghệ thuật dân tộc. Với sự trân trọng kế thừa và phát triển vốn văn hóa truyền thống, làm chủ cái gốc của mình, đồng thời trân trọng vốn di sản của nghệ thuật nhân loại, các thư hữu đã cố gắng tạo nên những tác phẩm thư pháp đặc sắc, không chỉ cho chúng ta những ấn tượng thị giác và xúc cảm thẩm mỹ sâu sắc mà còn có sức thu hút và làm ngạc nhiên nhiều bạn bè quốc tế. Nhưng quan trọng hơn, thư pháp chữ Việt đã định hình được phong cách Việt và mang tâm hồn Việt.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của ThS. Nguyễn Hiếu Tín, các bạn sinh viên và khách tham quan được hướng dẫn và trải nghiệm viết thư pháp.
Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề “Thư pháp Việt – Tâm hồn Việt”, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn giới thiệu cho du khách và các bạn trẻ hiểu hơn về thư pháp chữ Việt – một bộ môn nghệ thuật đã có lịch sử hình thành lâu đời và gắn bó mật thiết, gần gũi của người dân, thể hiện tinh thần yêu chữ và trọng chữ của bao thế hệ người Việt vẫn được nâng niu, giữ gìn từng câu chữ tiếng Việt, là niềm tự hào của dân tộc.
Cùng nhìn lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Thư pháp Việt – Tâm hồn Việt”.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh