Ngày 4/11/2016, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu Hát Sắc bùa Phú Lễ” nhằm giúp cho các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên tìm hiểu thêm về loại hình diễn xướng dân gian với phần nói chuyện của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Hát Sắc bùa là một loại hình diễn xướng mang đậm nét sinh hoạt văn hóa dân gian, pha trộn giữa lễ nghi nông nghiệp và lễ nghi tôn giáo, thường hoạt động trong những dịp Tết, biểu thị cho sự khai mở một chu kỳ của vũ trụ. Hát Sắc bùa Phú Lễ – Bến Tre mang những nét quần chúng rõ rệt. Nhưng, cũng có những nét riêng do sự tổng hợp mới – cũ, sự thay đổi theo thời gian, theo điều kiện cụ thể của địa phương.
Trong buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, người đã nghiên cứu và nắm giữ nhiều nguồn tư liệu, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng dân gian tại Nam Bộ cũng như về các vùng miền trong cả nước, đã giới thiệu khái niệm, xuất xứ và những làn điệu của loại hình diễn xướng “Hát Sắc bùa Phú Lễ”. Sự chia sẻ chân thành về những giá trị cũng như ý nghĩa của loại hình diễn xướng dân gian này, cùng với các tiết mục biểu diễn của những nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ Hát Sắc bùa thuộc Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre đã làm cho không khí của buổi sinh hoạt vô cùng sôi động, góp phần đưa loại hình diễn xướng Hát Sắc bùa đến gần hơn với người dân Thành phố.
Buổi sinh hoạt chuyên đề giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống đến các bạn sinh viên, thanh niên, người dân Thành phố đã đạt được kết quả tốt đẹp qua sự tham gia đông đảo, trao đổi nhiệt tình với diễn giả và các nghệ nhân của Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre. Buổi sinh hoạt chuyên đề có sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên đến từ Khoa Di sản trường Đại học Văn hóa, Khoa Văn hóa học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, các bạn đoàn viên thanh niên Quận đoàn 4, Quận đoàn 5 và các báo, đài của Thành phố.