Sáng ngày 31/05/2011, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề “Tính ước lệ trong nghệ thuật Hát bội” do Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Bằng Phi trình bày. NSND Đinh Bằng Phi đã có hơn 50 năm đam mê và gắn bó với sân khấu nghệ thuật Hát Bội. Và với những đóng góp đáng kể trong việc sáng tác, tổng kết về sân khấu Hát Bội, ông được xem là một trong số ít những nhà nghiên cứu Hát Bội ở Nam bộ. Trong buổi nói chuyện có sự tham gia biểu diễn các trích đoạn Hát Bội minh họa của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía lãnh đạo có sự có mặt của Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền – Giám đốc Bảo tàng thành phố đại diện cho Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch thành phố. Bà Phan Ngọc Nga – Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố. Cùng đại diện các Trung tâm Văn hóa quận – huyện, cán bộ nghiệp vụ các Bảo tàng trên địa bàn thành phố, và đông đảo các bạn sinh viên Đại học Văn hóa, Đại học Mở, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố.
Hát Bội là một loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Theo chân những lưu dân người Việt đi khẩn hoang vùng đất mới cách đây hơn 300 năm, Hát Bội dần dần định hình, phát triển và đã trở thành một sinh hoạt văn hóa gắn bó với người dân phương Nam. Trải qua thời gian, nghệ thuật Hát Bội – vốn dĩ được coi là nghệ thuật bác học của dân tộc – vẫn mang trong mình một sức sống trường tồn.
Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Bằng Phi cho biết:
Vào đầu thế kỷ XIV, các đào kép Việt Nam đã viết được vở tuồng đầu tiên là “Tây Vương Mẫu hiến bàn đào” và công diễn trong triều đình nhà Trần. Từ đó, hát bội được công nhận và do chỉ biểu diễn vào các dịp lễ quan trọng của triều đình nên còn được gọi là “hát cung đình”. Tuy nhiên, vì được ưa chuộng, nó đã vượt qua ranh giới trên để đi vào dân gian với những vở tuồng trứ danh như “Phụng Nghi Đình”, “Nghêu, Sò, ốc, Hến”…
Là môn nghệ thuật có tính ước lệ cao, hát bội đòi hỏi ở đào kép tài năng diễn xuất. Được học tập và cải biên, được các nghệ sỹ Việt Nam thổi vào đó luồng sinh khí đậm nét dân tộc, hát bội nhanh chóng hiện diện ở Đàng trong lẫn Đàng ngoài với vị trí là loại hình sân khấu thượng hạng. Từ các bậc vua quan đến dân thường, hát bội đã phục vụ nhu cầu giải trí, học tập, thậm chí ảnh hưởng đến cả cách nghĩ, cách hành xử ngoài xã hội của người dân. Người ta thường bảo nhau: “Nóng như Trương Phi”, “Khóc như Lưu Bị” và “đa nghi như Tào Tháo”…
Ngày nay, sự hiện diện của hát bội ở đình làng không còn nữa, song dư âm của nó vẫn còn phảng phất ở miền sông nước này. Hát bội đã mang đến một sinh khí rắn rỏi, không đơn thuần là giải trí mà cư dân còn tìm thấy trong đó những bài học nhân nghĩa. Hát bội ở đình làng đã tạo ra sân chơi, một điểm hẹn cho cộng đồng dân cư vùng sông nước, nơi trưởng tộc các vùng gặp gỡ, thắt chặt mối dây đoàn kết. Loại hình nghệ thuật này cũng tiếp thêm sinh lực cho con người vững tin và yêu mến vùng đất này nhiều hơn.
Nghệ thuật hóa trang:
Nghệ thuật hóa trang mặt nạ hát bội vốn dĩ diễn tả diện mạo các nhân vật theo hình thức tượng trưng, diễn viên phải bỏ nhiều công sức học hỏi để tự biết cách trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình theo từng vai diễn, từng loại nhân vật.
Để thể hiện sắc sảo những đường nét uốn lượn trong nghệ thuật hóa trang mặt nạ hát bội thì các chất liệu sử dụng phải được thực hiện qua một quá trình công phu.
Ví như muốn có được một hộp lọ màu đen để vẽ mày, mắt, các nghệ sĩ phải tự tạo loại bột này bằng cách đốt một cây đèn dầu, phía trên đèn có một lon thiếc úp ngược hứng bụi lọ của đèn.
Ngày nay, trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm đạt chất lượng tốt nên vấn đề phẩm liệu dùng để hóa trang mặt nạ hát bội của các diễn viên cũng phong phú hơn.
Một chút “bí quyết” để hiểu và nhận biết các nhân vật trên sân khấu hát bội: phần nền da mặt là màu đỏ son chỉ người anh hùng trung trinh tiết liệt; màu trắng mốc là kẻ gian thần, dua nịnh; màu đen của người chất phác bộc trực, nóng nảy nhưng ngay thẳng, chân thực; màu xám nhợt là người có tuổi; màu xanh ám chỉ người mưu mô xảo quyệt, lũ yêu ma…
Vẽ vòng quanh mắt cũng có nhiều loại mang nhiều ý nghĩa khác nhau: tròng xéo là kép võ còn trẻ con (con nhà tướng), tròng đứng là võ tướng. Mặt vẽ nhiều rằn ri là người hung ác, tướng cướp, yêu đạo.
Trên trán có vẽ một con mắt là người có huệ nhãn, nhìn xa biết rộng. Mày tằm lưỡi mác là khách trượng phu, mày đoản là kẻ gian xảo, mày lửa chỉ người nóng tính… Râu 3 chòm, 5 chòm (đen, bạc) chỉ người đôn hậu, trầm tĩnh, quý phái.
Râu đen xoắn là người dữ dằn, nóng tính. Râu cắt (đen, đỏ) là người có tính khôi hài. Râu chuột chỉ kẻ liến thoắng, người bộp chộp. Riêng râu liên tu có 3 màu: đen – kẻ gian nịnh, bạc – lão tướng anh hùng, đỏ – tướng phản phúc, yêu đạo, phù thủy.