Thời gian:Ngày 6/2 – 28/2/2010 Địa điểm: Nhà Triển Lãm Thành phố, 92 Lê Thánh Tôn |
Nội dung trưng bày gồm 2 phần chính:
Di sản Hán Nôm qua tư liệu văn bản:
+ Tư liệu là văn thư của Triều đình: Chiếu, chỉ, dụ, sắc phong
+ Tư liệu là các loại sách học (Dùng trong giáo dục Nho học): Tứ thư, ngũ kinh.
+ Tư liệu từ các nguồn: văn thơ, Y học, duợc lý, địa chí…..
Di sản Hán Nôm qua hiện vật:
+ Con dấu, triện của Triều đình, quan lại dùng đóng trên các văn bản.
+ Những hiện vật có ghi văn thơ Hán Nôm: đồ sứ ngự dụng triều Nguyễn, liễn đối, câu đối…
+ Hiện vật cất giữ, chứa những văn bản Hán Nôm: tráp, hộp đứng sắc phong, bút, mực, son….
Sắc phong truyền tải lại cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về tên, tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử như quê quán, công tích và xếp hạng (nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng tôn thần), biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó, nó chứa đựng một số thông tin có thể bổ sung thêm lịch sử và là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian.Qua sắc phong người ta có thể biết thêm những thông tin về hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. ây là loại cổ vật rất giá trị do có tính độc bản và là một nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện. Có hai loại sắc phong: Sắc phong chức tước:Là loại sắc phong do nhà vua các triều đại phong kiến dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người có công … Loại này không còn nhiều và thường do các gia đình dòng họ lưu giữ nên không mấy khi được phổ biến ra trước công chúng. Sắc phong thần: Là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần, do nhà vua các triều đạiphong kiến phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng (Thành hoàng…)
Hiện vật
Sắc Phong tước: Có nhiều hiện hiện vật liên quan đến Tham luận Trần Văn Thành: Công đồng truyền (1796), Chỉ truyền, Sắc phong (1802), Tờ Sai (1801).
Công đồng truyền (1796): Trần Văn Thành người thôn Tân Thành tổng Tân Long huyện Tân Bình phủ Gia Định, có học vấn, cho giữ chức Tham luận Tả chi doanh Hậu quân Thành Tín bá, theo Chánh Phó trưởng chi coi việc sổ sách, dự bàn quân cơ.
Sắc phong Trần Văn Thành (1802 – Gia long thứ I): Tham luận vệ Dực vũ quân Thần vũ Trần Văn Thành thông thạo việc lại sự, hơi biết việc quân, có thể chuyển làm Tham luận Tả đồn Thành Tín hầu trong quân, theo Chánh Phó đồn bàn bạc quân cơ, trông coi các việc sổ sách.
Sắc phong Minh Mạng (thứ 9, 1828): ban cho bà Nguyễn Thị Tình (vợ Chưởng cơ Trần Văn Diệu, mẹ Tào Chánh Trần Văn Năng) là Chánh thất phu nhân “mãi mãi vẻ vang ân sủng; sắc chiếu rồng hiển hách, nghìn thu tên tuổi lưu truyền”
Sắc phong thần Thủy long thần Đại Vương (thời Cảnh Hưng 1783).
Sắc thần Thành Hoàng xã Phú Gia, huyện Từ Liêm( Quang Trung năm thứ 5, 1792)
Sắc phong thần Đại Vương chi thần (1792)
Các Chiếu triều đình thăng chức cho Cẩm y vệ túc trực Trần Văn Thọ [Minh mệnh năm thứ 11(1830), tháng 8, ngày 16], Hiệu úy Liên Ngọc Hầu Trần Văn Liên (con Chưởng doanh Trần Văn Năng) [Minh Mạng năm thứ 12 (1831), tháng mười một, ngày mồng năm], ấm thọ Cai đội Lương Tài tử Trần Văn Chính [Tự Đức thứ 11 (1858), ngày mồng một, tháng 10]
Bằng khen của Hiệp Đốc Bắc Kỳ Quân vụ đại thần cho các sĩ quan đánh thắng 2 trận lớn ở Lạn Mẫu và Đông Đội, vào tháng giêng và đầu tháng 2 năm 1889: Bùi Tiến Ngạn, Nguyễn văn Lợi, Lê văn Tuyển, Tạ văn Hy, Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Đức Lượng, Võ Văn Nguyên. Đồng thời sai phái canh phòng cẩn thận chiến khu, cấp ngày 10 tháng 2 niên hiệu Hàm Nghi năm thứ 6 (1889).
Tập Công Văn Ngoại Giao Giữa Triều Tây Sơn Và Nhà Thanh (thế kỷ XVIII)
Bắc Sử Tổng Vịnh (3 quyển): Năm 1860, vua Tự Đức xuống chỉ cho Nguyễn Đăng Tuyển căn cứ vào lịch sử Trung Quốc từ Thượng cổ đến cuối đời nhà Minh, xét các nhân vật lịch sử, biến cố lịch sử để viết lại tóm tắt bằng thơ lục bát chữ Hán, bình luận thêm về các nhân vật và sự kiện lịch sử ấy. Nguyễn Đăng Tuyển viết xong, đệ vào kinh, nhà vua ban khen, lưu giữ ở Đại nội, chưa được xuất bản. Có thể đây là bản sao lại sau đó.
Hoàng triều ngọc điệp: Bộ sách được lưu trữ trong bí Các của Vua, ghi chép đầy đủ các vị chúa và các vị vua triều Nguyễn (1841-1847, 1885-1888).
Hoàng tử phổ: Bộ sách được lưu trữ trong bí Các của Vua, ghi chép về các hoàng tử triều Nguyễn (1841-1847).
Hoàng nữ phổ: Bộ sách được lưu trữ trong bí Các của Vua, ghi chép về các hoàng nữ triều Nguyễn (1885-1888)
Hoàng triều tôn phổ tiền biên: Bộ sách được lưu trữ trong bí Các của Vua, ghi chép 13 đời dòng họ Nguyễn Phước,(Đầu TK 20)
Hoàng Việt luật lệ (Gia Long thập nhị niên (1813)
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Chính Biên: Bộ sử Việt Nam do Quốc Sử Quán biên soạn, có lời châu phê bình luận các sự kiện và nhân vật lịch sử của vua Tự Đức (1848 – 1883). Bản này vốn được giữ trong bí Các, vua Đồng Khánh ban cho Trương Vĩnh Ký khi nhà học giả này được sung làm Phụ đạo cho nhà vua.Tập sách này rất quý hiếm, vì là bản ngự dụng và có ngự phê của Vua Tự Đức, lại có thủ bút, ấn triện của Trương Vĩnh Ký
Tập bản đồ các trạm thư trên có quần đảo Hoàng Sa
Văn bản điền thổ (1786, 1830)
Sách y của Hải Thượng Lãn Ông (1880 )
Sách Phạm Công Cúc Hoa Trước nay vì không tìm đủ bản cổ, học giới vẫn cho rằng truyện khuyết danh. Bản này có ghi tác giả : Dương Minh Đức Thị.
Sách Kiều viết băng chữ Nôm: Đây là bản Kiều chép tay từ câu 2313 đến cuối 3254. Người chép đã theo bản Duy Minh Thị 1872 để sao lại năm 1904. Có sửa chữa những sai lầm trong bản in ấy. Chữ Nôm chính xác. Đặc biệt phụ lục những thơ vịnh Kiều của các tác giả sau này. Có bài văn lẽ chữ Nôm của Kim Trọng làm lẽ Thúy Kiều bên sông Tiền Đường. Cần thiết để đính chính một số chữ Nôm trong các bản Kiều khác.
Quế Sơn Thi Tập có phụ lục bài văn bia ở mộ đức cha Bá Đa Lộc. Bản chép tay, không ghi người chép. Quế Sơn Thi tập của Nguyễn Khuyến:
Những bài thơ chữ Hán của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), nhà thơ yêu nước, trào phúng và đồng quê Việt Nam. Có phụ lục bài “ Điếu cụ nghè Dương Khuê”, đủ Hán và Nôm.
Phần phụ lục bài văn bia ở mộ đức cha Bá Đa Lộc (1741 – 1799) do tiến sĩ Nguyễn Gia Cát vâng mệnh vua Gia Long soạn thảo. Bài văn này góp phần đính chính một số sai lầm về tiểu sử của đức cha lâu nay bị phiên dịch và biên soạn rất sai lầm vì không có bản chữ Hán.
Di sản Hán Nôm qua hiện vật:
Các ấn đồng được đúc dưới triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn
Ấn đồng “Lương tài hầu chi ấn” thời Minh Mệnh:
Dựa vào dòng chữ ghi trên lưng ấn “Minh Mệnh thập tứ niên cát nguyệt nhật tạo”có thể xác định niên đại của ấn được đúc vào ngày tháng tốt năm Minh Mệnh thứ 14 – 1833 và chữ khắc trên mặt ấn là “Lương Tài Hầu chi ấn” cho biết đây là chiếc ấn của Hầu tước Lương Tài là Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Trần Văn Năng, vị tướng có nhiều công trạng vẻ vang vào đầu thời trung hưng. (Phong tước Lương Tài Hầu cho Trần Văn Năng 1833)
Hộp đựng sắc, ống đựng sắc
Câu đối, hoành phi: là những mỹ tự thể hiện ước mơ có cuộc sống tốt đẹp, là những lời khuyên con người sống theo luân lý đạo đức .
Câu đối:
Công tử hiếu hiền năng ẩn dật
Cao tài đăng đệ khán thu hoa
(Công tử thích hiền nên ẩn dật
Tài cao thi đậu ngắm hoa thu)
Nhẫn nhi hòa nãi thị tề gia thượng sách
Cần dữ kiệm tự nhiên sáng nghiệp lương đồ
(Nhịn mà hòa là cách tốt tề gia
Cần và kiệm ấy mưu hay sáng nghiệp)
Phẩm tiết tường minh đức tính kiên thực
Sự lý thông đạt tâm khí hòa bình
(Phẩm tiết sáng ngời đức bền nết vững
Sự lý thông đạt tâm bình khí hòa)
Hoành phí “Chánh đức giai thử”(Đức chính đều thế)
Gia Định Châu Thành quận, Lê phủ đại nhân vinh thăng Đốc phủ sứ chi khánh
Vĩnh Long Bình Phú tổng, Phú Trường Yên thôn hương chức đồng cung hạ
Mừng dịp Lê đại nhân quận Châu Thành tỉnh Gia Định được vinh thăng Đốc phủ sứ.
Hương chức thôn Phú Trường Yên tổng Bình Phú tỉnh Vĩnh Long cùng kính mừng
Niên đại: Đầu TK 20
Quan đồng thăng (Của trấn Quy Nhơn) : (đời Cảnh Thịnh thứ 5, 1797): Dụng cụ đo lường thời Tây Sơn. Do triều đình cấp cho làng Long Triều, Liên Nẫu thuộc trấn Quy Nhơn.
Đồ gốm sứ: (thế kỷ XVIII – XIX): triều đình đặt hàng từ Trung Quốc, trên gốm có trang trí hoa văn phong cảnh Việt Nam và những bài thơ Nôm.
Bộ xăm Hường: một trò chơi tao nhã, gốc từ Trung Quốc. Người Huế thường đổ xăm hường trong những dịp đầu xuân, vừa để giải trí trong 3 ngày Tết, vừa để xem vận hên xui của mình trong một năm. Đổ xăm hường là trò chơi gieo các hột súc sắc (còn gọi là hột tào cáo) để đoạt những thẻ có khắc chữ Hán, là các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Tên gọi các thẻ thể hiện tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa.
Trưng bày nhằm giới thiệu với công chúng di sản văn hóa của cha ông ta qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức giữ gìn.