ThS. Kiều Đào Phương Vi
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
1. Sự ra đời của lực lượng Thanh niên Tiền phong
Lực lượng Thanh niên Tiền phong được thành lập vào tháng 5 năm 1945. Về tổ chức, lực lượng Thanh niên Tiền phong được tổ chức công khai, không phân biệt thành phần (già trẻ, tôn giáo, đảng phái, dân tộc…) nên từ những ngày đầu thành lập, tổ chức đã thu hút được sự tham gia đông đảo của quần chúng, trong đó nhiều nhất là lực lượng thanh niên và trí thức. Xứ ủy yêu cầu tổ chức thanh niên phải theo đường lối như một mặt trận, vừa là tập hợp thanh niên vừa là tập hợp trí thức yêu nước bằng công tác thanh niên. Trụ sở của lực lượng ở số nhà 14 đường Charner (đường Nguyễn Huệ, Quận 1 ngày nay)(1).
Trang phục của Thanh niên Tiền phong thường là quần soọc xanh hoặc màu sậm, áo sơ mi trắng, dép cao su, huy hiệu mũi tên thẳng đứng. Thanh niên được trang bị tầm vông vạt nhọn, đeo dao găm và cuộn dây thừng ngang lưng về sau thêm một cây gậy tầm vông. Bài hát chung là Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên(2).
Thanh niên Tiền phong là lực lượng được hình thành trong giai đoạn các phong trào kháng chiến đang lớn mạnh để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945. Kể từ khi được thành lập, Thanh niên Tiền phong đã nhanh chóng lớn mạnh tại Sài Gòn và lan rộng ra các tỉnh thành Nam Bộ, góp phần vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn và Nam Bộ.
Với những đóng góp của Thanh niên Tiền phong trong Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày nhóm hiện vật về Thanh niên Tiền phong để giới thiệu đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về một tổ chức đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp tại Sài Gòn.
2. Vai trò của Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn qua bộ sưu tập hình ảnh, hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
2.1. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945
Ngay sau khi thành lập, chỉ trong vòng 1 tháng, lực lượng Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn đã lên đến 200.000 đoàn viên Thanh niên Tiền phong trong tổng số 1.200.000 người trên toàn Nam Bộ(3). Hầu như mọi khu phố, mọi cơ quan, ban ngành ở Sài Gòn cũng đều có trụ sở, đoàn viên Thanh niên Tiền phong.
Ngày 1 tháng 7 năm 1945, Thanh niên Tiền phong tổ chức Đại hội lần thứ nhất ở Sài Gòn. Ngày 5 tháng 7 năm 1945 làm lễ tuyên thệ tại vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn), có 30.000 đoàn viên tham dự.
Ngày 20 tháng 8 năm 1945, Mặt trận Việt Minh công khai ra mắt đồng bào bằng cuộc diễn thuyết tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Đến ngày 22 tháng 8 năm 1945, Ban Trung ương Thanh niên Tiền phong ra quyết nghị: “Từ nay trở đi, Thanh niên Tiền phong đứng trong Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, tức Việt Minh và sẽ tranh đấu trong Mặt trận Việt Minh với ba khẩu hiệu: Việt Nam hoàn toàn độc lập, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ, Chính quyền về tay Việt Minh”. Từ đây, các tổ chức chính trị của quần chúng ở Sài Gòn – Chợ Lớn tạo thành một thể thống nhất, toàn thể dân tộc đã đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh để nổi dậy giành độc lập dân tộc.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội và nhanh chóng lan khắp cả nước. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, khắp thành phố Sài Gòn nổi lên những khẩu hiệu: “Bảo Đại thoái vị”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Lá cờ búa liềm bay phấp phới trên mái nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại số 272 Chasseloup-Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).
Đúng 18 giờ(4), Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ chính thức phát lệnh khởi nghĩa. Đến 20 giờ, các đội quân khởi nghĩa rầm rộ triển khai lực lượng với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đội Thanh niên Tiền phong xung kích gồm hàng nghìn đoàn viên ưu tú được vũ trang tiến hành đánh chiếm các cơ sở quan trọng trong thành phố như: Kho bạc, Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Sở Bưu điện, Dinh thống đốc Nam Kỳ, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bót cảnh sát, Sở Chữa cháy, Sở Công an… Trong lúc các đội xung kích chiếm lĩnh các công sở thì thanh niên, công nhân có vũ trang trên các xe cam-nhông cắm cờ chạy khắp thành phố để cổ động nhân dân tham gia khởi nghĩa. Một giờ sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945 toàn bộ chính quyền về tay cách mạng.
Khí thế của toàn dân trong Cách mạng tháng Tám nói chung và lực lượng Thanh niên Tiền phong nói riêng được thể hiện qua một số hiện vật được sử dụng trong giai đoạn này đang được Bảo tàng lưu giữ và trưng bày (theo Hồ sơ hiện vật Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh) như:
– Cờ đỏ sao vàng do ông Lê Văn Đời – Đội trưởng Đội Thanh niên Tiền phong Quyết Thắng, thuộc khu vực nhà thờ Cầu Kho đã trích tiền quỹ may lá cờ đỏ sao vàng treo trước trụ sở tại số 31 Phát Diệm (nay là đường Trần Đình Xu) vào ngày 25 tháng 8 năm 1945.
– Kiếm Nhật, đây là một trong chín cây kiếm được Đội Thanh niên Tiền phong sử dụng canh gác trụ sở của Đội Thanh niên Tiền phong, năm 1945. Trong quá trình hoạt động, tổ chức Thanh niên Tiền phong luôn linh hoạt, tận dụng những chiến lợi phẩm làm vũ khí, đảm bảo trang bị tốt cho lực lượng tham gia tổ chức.
– Kèn đồng, chiến lợi phẩm thu được của giặc Pháp trong đợt biểu tình năm 1930. Đồng chí Chín Báu – Đội viên Thanh niên Tiền phong sử dụng báo động và tập hợp Thanh niên Tiền phong ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Lưỡi mác, hiện vật được Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Minh (huyện Củ Chi) sử dụng trong thời gian tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, năm 1945. Thanh niên Tiền phong là một lực lượng vô cùng đặc biệt, nơi đây tập hợp các tầng lớp quần chúng không phân biệt tuổi tác, già trẻ để tạo nên một sức mạnh quần chúng to lớn. Sự tham gia trong phong trào Thanh niên Tiền phong của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Minh là một minh chứng cho sức mạnh cách mạng Việt Nam, là sức mạnh đến từ toàn dân, là sự đoàn kết mà không ngại hy sinh, gian khổ.
– Mõ tre: Chiếc mõ được làm từ gốc tre gai già, cong giống sừng trâu, phía cong của mõ được khoét rãnh nhỏ, dài dùng để tạo tiếng vang khi gõ. Một đầu của mõ có khoét lỗ để xỏ dùi dùng để đánh mõ. Hiện vật được ông Nguyễn Văn Nương – Đội viên Thanh niên Tiền phong tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh sử dụng báo động và tập hợp thanh niên trong làng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời ấy, hầu như nhà nào cũng có mõ. “Mõ” vừa là nét đặc trưng của làng xã Việt Nam, vừa là vật quan trọng dùng để báo động, giải tán, tập hợp lực lượng mà không bị thực dân Pháp nghi ngờ. Tiếng mõ được truyền từ nhà này sang nhà khác thành một chuỗi âm thanh kèo dài như bất tận cứ 3 hồi này rồi lại 3 hồi khác. Tiếng mõ bảo vệ làng quê, bảo vệ lực lượng cách mạng, làm hoang mang tinh thần giặc đã trở thành một nét đặc trưng của miền Nam trong những năm tháng kháng chiến.
– Roi tầm vông, vũ khí tự tạo được ông Nguyễn Văn Nương – Đội viên Thanh niên Tiền phong tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh sử dụng khi tham gia cướp chính quyền và dự mít-tinh tại trung tâm Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Roi tầm vông là một hiện vật đặc biệt, thể hiện được sự sáng tạo, linh hoạt của nhân dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Từ những hiện vật tưởng như quá gần gũi, thân thuộc nhưng đều được quần chúng tận dụng triệt để trong cuộc nổi dậy giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945.
Sau ngày 25 tháng 8 năm 1945, hàng chục đồng bào từ ngoại thành và các vùng lân cận kéo vào mang theo súng, gươm, giáo, mác, cưa, búa… tạo nên khí thế mạnh mẽ, cả Sài Gòn như rung chuyển, cả thành phố ngập trong biển cờ, biểu ngữ. Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn nhanh chóng chín muồi, lực lượng cách mạng nhanh chóng biến các cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng thành lực lượng tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sài Gòn – Nam Bộ kịp thời cùng với nhân dân cả nước làm nên mùa Thu lịch sử. Tổ chức Thanh niên Tiền phong đã thổi bùng lên ngọn lửa quật cường của khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, khiến cơn bão táp cách mạng cả nước cuồn cuộn dâng trào.
2.2. Trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến
Pháp mở đầu việc tái chiếm Sài Gòn bằng cuộc gây hấn diễn ra vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Một cuộc biểu tình, tuần hành lớn nhất trong lịch sử Sài Gòn với hơn một triệu người ở trung tâm thành phố mừng độc lập đã bị quân Pháp nổ súng vào đoàn tuần hành làm thương vong 47 người. Lực lượng của ta nhanh chóng trấn áp, bắt giam gần 1.000 quân Pháp.
Ngày 6 tháng 9, một vạn quân Anh do thiếu tướng Douglas D. Gracey chỉ huy đến Sài Gòn. Ngày 12 tháng 9, Gracey chỉ huy một đơn vị quân Anh cùng đơn vị thuộc Trung đoàn 5 của Pháp từ Miến Điện về đến Tân Sơn Nhất. Quân đội Anh, Pháp, Nhật, Ấn… tập trung ngày càng đông ở Sài Gòn gồm 6.000 quân Pháp, hơn 1 vạn quân Anh và 4 vạn quân Nhật… Kế hoạch của Pháp là trong 48 giờ sẽ làm chủ thành phố, trong 4 tuần đánh chiếm Nam Bộ sau đó xâm lược toàn bộ Việt Nam, Lào, Campuchia.
Rạng sáng ngày 23 tháng 9, quân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, đánh vào Ủy ban Hành chính Nam Bộ, chiếm trụ sở Quốc gia Tự vệ, đài phát thanh, nhà bưu điện.
Tiếng súng quân Pháp nổ ra vào đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945 đã kết thúc 29 ngày độc lập, tự do ngắn ngủi của nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ, buộc nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ phải vùng lên chiến đấu: “Súng lại cầm tay, đạn nói thay lời”. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, tiếng súng chống Pháp của nhân dân Sài Gòn có ý nghĩa mở đầu cho 9 năm “Nam Bộ kháng chiến” chống Pháp trong lịch sử của dân tộc.
Từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, quân dân Sài Gòn đấu tranh chống Pháp với khí thế sôi sục khắp nội thành và ngoại ô bằng hai hình thức: đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị.
Chiều ngày 23 tháng 9, nhân dân Sài Gòn đã tiến hành tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa, đồng loạt tản cư ra khỏi thành phố, kiên quyết không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, nhà máy, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không người họp, xe ngừng chạy… Công nhân nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Nhà đèn, nhà máy nước bị phá hủy, mọi thứ vật dụng như tủ, xe bò, xe kéo… đều được kéo ra đường. Các cơ sở kinh tế, kho hàng bị phá, một số cầu đường bị đánh sập. Cả thành phố ngổn ngang chướng ngại vật tạo thành các chiến tuyến ngăn bước quân thù.
Quân và dân ta thành lập 4 phòng tuyến chặn địch ở khu trung tâm (trung khu). Mặt trận tiền tuyến miền Đông kéo dài từ cầu Thị Nghè qua cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Mac Mahon tách trung khu với khu Gia Định. Dòng kênh Nhiêu Lộc trở thành “vành đai nước” bao vây trung tâm. Mặt trận tiền tuyến phía tây bắt đầu từ Cầu Tre qua Phú Lâm, Bình Điền cắt rời thành phố với miền Tây Nam Bộ. Mặt trận phía nam từ Bình Đăng kéo dài đến Thủ Thiêm. Mặt trận bắc – tây bắc chạy dài từ cầu Tham Lương qua Hóc Môn, Gò Vấp. Mặt trận nội thành (mặt trận bổ sung) chủ yếu tập kích quân Pháp trong trung tâm thành phố, trên các đại lộ, các ngõ hẻm. Quân dân Sài Gòn tổ chức thành từng ụ, ổ kháng chiến tấn công Pháp ở trung tâm.
Bốn phòng tuyến vòng ngoài như những vành đai lửa đạn bao vây, cô lập, cầm chân giặc trong trung tâm. Những trận đánh diễn ra ác liệt giữa ta Pháp trên các cầu Ông Lãnh, Khánh Hội, Thị Nghè, cầu Ông, cầu Kiệu… đã chặn đứng bước tiến và làm tổn thất nặng nề cho quân Pháp.
Một số hiện vật thể hiện vai trò của tổ chức Thanh niên Tiền phong trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố như:
– Kiếm Nhật: vũ khí trang bị cho sĩ quan Nhật. Tháng 10 năm 1945, tại mặt trận Thị Nghè, Pháp cho một sĩ quan Nhật đến đề nghị ta bỏ vũ khí, đồng chí Nguyễn Bân – người đứng đầu lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Thị Nghè và chỉ huy trưởng mặt trận Thị Nghè đã đoạt được thanh gươm này và giữ làm kỷ niệm.
– Huy hiệu Binh chủng công binh Nhật (chiến lợi phẩm): Sau khi mặt trận Thị Nghè giữ vững được 146 ngày đêm, đồng chí Nguyễn Bân theo lệnh của đồng chí Phạm Văn Bạch ra Phan Rang đưa đoàn quân Nam tiến vào hỗ trợ. Trong quá trình Nam tiến, đồng chí Bân đã tịch thu huy hiệu này trong trận chiến đấu giữa đoàn quân Nam tiến và Tiểuđoàn Bộ binh và Công binh Nhật ở Phan Rang, tháng 12 năm 1945.
Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Bân, mặt trận Thị Nghè (thuộc mặt trận phía Đông) nhận được sự tham gia rất tích cực của nhân dân Thị Nghè, số lượng lên đến 400 người bao gồm nam nữ thanh niên từ khu vực Sở thú đến ngã ba Hàng Xanh, chợ Bà Chiều…(5) đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc chặn quân Pháp tấn công từ phía đông Thành phố. Mặt trận Thị Nghè đã được giữ vững trong 146 ngày đêm, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ “vành đai nước” phía đông Thành phố.
Vai trò của Thanh niên Tiền phong trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến vô cùng quan trọng, đã góp phần vào việc giữ chân Pháp trong khu vực nội đô, kéo dài thời gian để cán bộ, chiến sĩ cách mạng của ta thuận lợi rút về chiến khu an toàn để tập hợp lực lượng, chuẩn bị cho chín năm kháng chiến chống Pháp.
3. Kết luận
Lực lượng Thanh niên Tiền phong là lực lượng quan trọng, là một phần không thể thiếu tạo nên sức mạnh, thành công cho cách mạng Việt Nam tại Nam Bộ trong Cách mạng tháng Tám và những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Có thể nói, Thanh niên Tiền phong là tổ chức độc đáo của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Nam Bộ. Đây là một sản phẩm sáng tạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đem lại sức mạnh vô cùng to lớn trong những ngày cùng cả nước trải qua mùa Thu lịch sử năm 1945. Thanh niên Tiền phong là lực lượng ra đời và tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn, tuy nhiên, sự ra đời của tổ chức này đã thể hiện được tinh thần cách mạng sôi nổi và không khí hào hùng của Thanh niên Tiền phong luôn là niềm tự hào của nhân dân, của tuổi trẻ Thành phố.
Kế thừa và phát huy những giá trị, ý nghĩa, tinh thần cách mạng của Thanh niên Tiền phong, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh luôn làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, học sinh – sinh viên. Không gian trưng bày về lực lượng Thanh niên Tiền phong trong Phòng trưng bày Đấu tranh Cách mạng (giai đoạn 1930 – 1954) không chỉ là nơi Bảo tàng giới thiệu về một lực lượng đặc biệt tạo nên thành công của Cách mạng tháng Tám mà còn là không gian để cảm nhận được khí thế hào hùng, tinh thần nhiệt huyết của thế hệ thanh niên trong giai đoạn khói lửa của chiến tranh.
Tài liệu tham khảo:
(1) Ngô Vương Anh, “67 năm Cách mạng tháng Tám – Kỳ 6: Ông bác sĩ cộng sản “tương kế tựu kế”, Báo Thanh niên, ngày đăng 25/8/2022, truy cập ngày 17/8/2023.
(2) Nguyễn Thị Thu Sương, “Vai trò, tổ chức Thanh niên Tiền phong trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Trà Vinh”, Website Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh, đăng ngày 28/1/2022, truy cập ngày 18/7/2023.
(3) Ban Quản trị, “Thanh niên Tiền phong – Sức mạnh thần kỳ trong những ngày mùa thu lịch sử”, Website Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, truy cập ngày 18/7/2023.
(4) Ban Quản trị, “Thanh niên Tiền phong – Sức mạnh thần kỳ trong những ngày mùa thu lịch sử”, website Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, truy cập ngày 10/7/2023.
(5) Theo Hồ sơ hiện vật số BTTPHCM.KK4, ghi chép ngày 4 tháng 6 năm 1988,