KẾT QUẢ KHAI QUẬT
DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC HỘI SƠN NĂM 2012
Sáng ngày 11/1/2013, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ tổ chức buổi tọa đàm, báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ khảo cổ học Hội Sơn.
Chủ trì tọa đàm là Bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự tham dự của hơn 100 khách mời là đại diện của phòng, ban Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện của Thành hội Phật giáo, chùa Hội Sơn và các nhà báo.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Hội Sơn tại chùa Hội Sơn từ ngày 1/12 đến ngày 15/12/2012.
Đoàn đã triển khai mở các hố khai quật và thám sát ở hai khu vực là nền chùa (khu vực bị hỏa hoạn vào đêm 17 tháng 7 năm 2012 vừa qua) và khu vực xung quanh chùa với tổng diện tích 105 m2.
Kết quả khai quật cho thấy, mặc dù có nhiều thay đổi về địa hình, địa mạo do quá trình canh tác và xây dựng đã làm mất đi một phần lớp văn hóa ở vài khu vực trên khu di chỉ nhưng đây vẫn là khu vực giàu tiềm năng khảo cổ, đặc biệt những tích tụ khảo cổ tiền sử.
Qua việc khai quật khu nền cũng tìm thấy một số lần xây dựng lại chùa với các kết cấu đá ong, gạch ở phần móng của công trình, cũng như những chân tảng bằng đá ong và đá sa thạch tương ứng nằm ở trong khu nền.
Riêng tầng văn hóa chứa các di vật thời tiền sử có độ dày từ 50 – 70cm. Qua phân tích đặc điểm di vật thu được, sự phân bố di vật trên toàn bộ diện tích của khu di chỉ cũng như trong từng hố khai quật cho thấy nơi đây vừa là khu cư trú vừa là một công xưởng chế tác công cụ lao động của cư dân tiền sử với khung niên dại 3500 – 3000 năm cách ngày nay.
Những di vật được tìm thấy khá phong phú, gồm các loại: bàn mài đá, dao đá, đục, rìu, cuốc, chì lưới, mảnh tước bằng đá… và một số di vật gốm như dọi se chỉ, bi gốm, các bộ phận của loại hình bát bồng, tay cầm gốm…
Địa tầng các hố khai quật và sưu tập di vật cho thấy ở di tích này có sự liên hệ gần gũi với di tích Bến Đò và các di tích tiền sử khác nằm dọc hạ lưu sông Đồng Nai vốn đã được các nhà khoa học xếp vào khu vực văn hóa Đồng Nai tiền sử.
Qua kết quả khai quật này, các cơ quan chuyên môn sẽ kiến nghị với cơ quan quản lý văn hóa và chùa Hội Sơn về quy hoạch khảo cổ, kế hoạch trùng kiến lại chùa cũng như việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở khu vực này.
Sau buổi báo cáo sơ bộ trên, Bảo tàng Thành phố và Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học sẽ tiếp tục nghiên cứu dựa trên thành quả cuộc khai quật để có báo cáo chính thức và hoàn thiện về mặt khoa học.