Kỳ 1: Năm cánh quân tiến công giải phóng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Cách đây 48 năm, cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh của quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi, kết thúc 21 năm kháng chiến đấu tranh chống Mỹ, 117 năm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, mở ra thời kỳ độc lập, hòa bình, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu vào ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược gồm: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ban đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh có tên là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, tuy nhiên xuất phát từ đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, cũng như tình cảm, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, mà trước hết là của nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Sài Gòn – Gia Định nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nên Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị đồng ý đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gón – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 14/4/1975.
Cũng trong ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định và xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: hướng Bắc, hướng Tây Bắc, hướng Đông, hướng Đông Nam, hướng Nam và hướng Tây Nam đánh vào 5 điểm tương ứng là: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô và Tổng Nha cảnh sát.
Hướng Bắc giao cho Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng) tấn công đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên, ngăn chặn Sư đoàn 5 quân lực Việt Nam Cộng hoà rút về nội đô, sau đó đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa và các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh; tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập.
Hướng Tây Bắc được giao cho Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời kết hợp với Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu.
Hướng Đông được giao cho Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) với mục tiêu đánh chiếm khu vực Biên Hòa – Hố Nai (gồm cả Sở Chỉ huy Không lực Việt Nam Cộng hòa và Sân bay Biên Hòa), tiến về Sài Gòn chiếm các quận 1, 2, 3, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Đài phát thanh Sài Gòn
Hướng Đông Nam giao cho Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) với mục tiêu đánh chiếm căn cứNước Trong, căn cứ Long Bình, Tổng kho Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, cảng và bến phà Cát Lái, chi khu Đức Trạch, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, quận 9 và quận 4 Sài Gòn. Tổ chức lực lượng thọc sâu đánh chiếm quận 1 và quận 3, hợp điểm tại Dinh Độc Lập.
Ở hướng Nam và Tây Nam do Đoàn 232(Binh đoàn cánh Tây Nam)Sư đoàn 8 (Quân khu 8) tiến công tiêu diệt cắt đường số 4 (Bến Lức – ngã ba Trung Lương), chiếm Tân An, Mỹ Tho, chia cắt Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ, thọc sâu đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, cầu Nhị Thiên Đường, Tổng Nha Cảnh sát, các quận 5, 6, 7, 8, 10, 11. Ngoài ra, đoàn 232 còn có nhiệm vụ đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường; chốt chặn đường số 4 không cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn rút về đồng bằng sông Cửu Long.
Sáng ngày 30/4/1975, từ 5 hướng quân ta đồng loạt tiến công vào nội thành Sài Gòn, Đến khoảng gần 11 giờ trưa, chiếc xe tăng 390 đã húc đổ cánh cổng chính và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, Trung úy Bùi Quang Thận cấm lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.