Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã tiến hành chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày “Kỷ vật kháng chiến” và mở cửa phục vụ khách tham quan nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014).
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh trưng bày 250 hiện vật là những di vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1930 – 1954) và kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975). Những di vật của thế hệ cha anh gợi cho người xem một thời chiến đấu hào hùng, oanh liệt với bao khó khăn, gian khổ, hy sinh và mất mát vì độc lập cho dân tộc.
Gậy đầu rồng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Trong thời gian bị giam cầm tại Côn Đảo, Bác Tôn Đức Thắng đã làm cây gậy này, sau khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, đồng chí Hồ Văn Biên được lệnh của Xứ ủy Nam kỳ đưa tàu ra Côn Đảo để rước tù chính trị về đất liền, khi đến Côn Đảo, đồng chí Biên gặp lại Bác Tôn. Bác đã tặng lại gậy này cho đồng chí Biên làm kỷ niệm.
Di vật của liệt sĩ Trinh sát Trung đoàn Gia Định; Tiền thân là tiểu đoàn Quyết thắng, thành lập năm 1964 đã lập được nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Di vật của chiến sĩ vô danh hy sinh năm 1968 ở Phú Thọ Hòa, di vật của Tiểu đoàn 8 Pháo binh.
Sưu tập hiện vật của Đại tướng Văn Tiến Dũng: Là những hiện vật đã được đồng chí sử dụng trong thời gian làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trong Chiến dịch Tây Nguyên và là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Huy hiệu kháng chiến: là những kỷ vật của các đồng chí đã tham gia và lập thành tích trong hai cuộc kháng chiến, như: Huy chương “Thành đồng Tổ quốc” do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng cho ông Trần Văn Đi năm 1954; Huy hiệu “Chiến sĩ thi đua” năm 1968 và Kỷ niệm chương “Tình báo quốc phòng Việt Nam năm 2002” – do Tổng cục II, Bộ Quốc phòng tặng ông Trần Quốc Cương – nguyên là giáo viên bộ môn kỹ thuật điệp báo Trường A11 – J22, vào ngày 15/9/2002 vì những đóng góp của ông trong ngành tình báo Việt Nam….
Hiện vật của Văn công tiền tuyến: Những cây đàn, cây sáo… đã gắn bó với những chiến sĩ văn công từ đường Trường Sơn đến mặt trận miền Nam làm vơi đi sự khó khăn, vất vả, sự hiểm nguy của cuộc chiến trường khốc liệt, đem niềm vui cho cán bộ chiến sĩ cách mạng,
Trang bị cá nhân của các chiến sĩ Trường Sơn: Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại đã đi vào thơ ca, tiếng hát. Con đường chiến lược để vận chuyển vũ khí, lương thực…trang bị từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Theo số liệu của bộ Tư lệnh 559 trong 16 năm gần 30.000 chiến sĩ đã hy sinh. Những dụng cụ sinh hoạt thô sơ gợi lại cho chúng ta phần nào về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của những chiến trên đường Trường Sơn. Đó là chiếc xắt cốt của thiếu tướng Trần Văn Danh, ruột tượng đựng gạo của thiếu tướng Mai Văn Phúc…
Máy ảnh, máy quay phim của phóng viên chiến trường: ghi lại những đoạn phim, bức ảnh lịch sử để lại cho đời sau. Trong đó có máy ảnh của nhân dân miền Nam gởi tặng Bác Hồ năm 1954, được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định sử dụng ghi lại những hình ảnh thân thương của Bác. Sau ngày 30/4/1975, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định trao lại chiếc máy này cho đồng chí Lâm Tấn Tài, Tổng Thư ký Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỷ vật trong tù của các chiến sĩ cách mạng: Trong lao tù những chiến sĩ cách mạng vẫn không hề hao núng, chính trong thời gian này các đồng chí cho ra những tác phẩm rất đẹp. Đó là những chiếc khăn thêu, chiếc lắc, cây gậy, túi vải…
Mô hình bếp Hoàng Cầm: Thực hiện phương châm “Đi không dấu, nấu không khói”, bếp Hoàng Cầm xuất hiện đầu tiên trong chiến dịch Hòa Bình năm 1953. Đây là sáng kiến mang tên người tiểu đội trưởng nuôi quân của đội điều trị Đại đoàn 308, đã giúp cho chiến sĩ có thể ăn nóng, uống chín ngay tại mặt trận mà không để lộ một chút khói lửa cho máy bay giặc quan sát phát hiện.
Ký họa kháng chiến: Hành quân gian khổ không làm nản lòng các chiến sĩ, sự gian khổ ấy còn nguồn cảm hứng để những họa sĩ Phạm Thanh Tâm cho ra đời bức ký họa “Câu chuyện hành quân”, họa sĩ Lâm Quang Nới với bức ký họa “Kéo pháo qua sông”, “Đưa pháo vào trận địa”, họa sĩ Trang Phượng với tác phẩm “Tiến vào Sài Gòn”, họa sĩ Huỳnh Phương Đông với “Bên bờ sông Soài Rạp”…
Hiện vật của các chiến sĩ Đại đoàn 351: viết chì vẽ, viết ngòi lá tre, dao vẽ … dùng vẽ tranh ký họa, tranh sơn dầu trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ (1954 – 1975).