TỌA ĐÀM VÀ TRIỂN LÃM “KHẢO CỔ HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA”
Ngày 26 tháng 11 năm 2010, nhân kỷ niệm 65 năm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về việc Bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc (23/11/1945 – 23/11/2010) và thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2010 của đơn vị, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Khảo cổ học – Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Nam Bộ thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm kết hợp triển lãm “Khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hóa ”.
Theo phát biểu của bà Vũ Thị Kim Anh – Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch: “
Thành phố Hồ Chí Minh, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, quá trình đô thị đang hàng ngày, hàng giờ tác động lên mọi mặt đời sống của cư dân đô thị từ kinh tế cho đến lối sống, sinh hoạt văn hóa cũng có những sự tiếp cận đa diện với văn hóa thế giới trong giai đoạn hội nhập. Nhà cao tầng nhiều hơn thay thế dần những khu nhà ổ chuột, chất lượng sống của người dân từng bước nâng lên. Song, cũng như quy luật phát triển đô thị của các nước trong khu vực, tiến trình đô thị hóa không hẳn là một quá trình phát triển theo đường thẳng với xu hướng tích cực mà cũng tồn tại không ít những mâu thuẫn nội tại đòi hỏi các nhà quản lý đô thị phải có được những tầm nhìn và định hướng cho hoạt động có tính chiến lược để làm thế nào việc phát triển đô thị không trở nên mâu thuẫn với việcbảo tồn những giá tri di sản văn hóa?
Một loạt câu hỏi đặt ra đòi hỏi cần giải quyết: làm gì đối với các di sản còn tiềm ẩn trong lòng đất, các di sản đã được khảo cổ học phát hiện và ghi nhận, đối với các di tích, di chỉ khảo cổ học của thành phố sau khi khai quật thì phải bảo tồn ra sao để không trở thành phế tích?
Đối với các di sản kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc gắn với danh nhân việc quy hoạch và bảo tồn như thế nào để tránh những mâu thuẫn giữa các vấn đề về mặt dân sinh, xã hội đối với việc giữ gìn những di tích thuộc dạng bất động sản này?
Làm thế nào để tạo sự hài hòa giữa cái cũ và cái mới, hài hòa giữa tư duy hiện đại và quá khứ hoài niệm, di tích hóa từng bộ phận riêng lẻ hay bảo tồn theo khu vực với cảnh quan hiện hữu hoặc những tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc là di sản văn hóa cũng còn chưa thống nhất …và bộc lộ rõ nhất điểm yếu của các nhà quản lý đô thị là chưa có điểm chung và sự nhất quán trong quan điểm về bảo tồn di sản.
Từ đó, có thể thấy rằng, dù đã đạt được những thành tựu nhất định, song vai trò của khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh – một trong những ngành khoa học có đóng góp trong vấn đề phản biện xã hội đối với thành phố cũng còn nhiều hạn chế. Việc ý thức hóa các giá trị từ di sản vật thể và phi vật thể thông qua các công trình nghiên cứu của mình còn chưa thật sự tạo nếp hằn trong tư duy của thị dân một sự trân trọng, tình yêu máu thịt đối với mảnh đất mình đang sống; chưa có những động thái cần và đủ để có được sự lưu tâm cần thiết đối với các nhà quản lý đô thị trong việc hoạnh định đường lối thích hợp để, gìn giữ một đô thị đẹp, hiện đại, có lịch sử văn hóa lâu đời để Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn mãi được ngưỡng vọng như một “hòn ngọc Viễn Đông” với tâm thế của một đô thị có cuộc sống văn minh, đậm bản sắc dân tộc và đầy tính nhân văn.” – Với những mục tiêu ấy, Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh cùng với Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học: “Khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hóa”
Tọa đàm có 12 bài tham luận:
- Điểm qua về hoạt động khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh hơn 3 thập kỷ.- Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.– trang 4.
- 2.Khảo cổ học Thành phố Hồ Chí Minh những chặng đường khám phá-PGS TS Bùi Chí Hoàng-Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học Viện phát triển bền vững vùng Nam bộ.- trang 10
- 3.Nhìn lại di chỉ Rỏng Bàng (Hốc Môn) trên bản đồ địa hình thành phố Hồ Chí Minh. Đỗ Như Kiếm –BTLS TP.HCM- trang 15
- Lò gốm cổ Hưng Lợi (Quận 8) -Thực trạng và giải pháp bảo vệ di tích cấp quốc gia. TS Phí Ngọc Tuyến – ĐHKHXH và NV TP.HCM- trang 21
- 5.Nhìn lại những phát hiện khảo cổ trên sông Sài Gòn. TS Phạm Hữu Công, Lương Chánh Tòng – Bảo tàng Lịch sử TP.HCM – trang 27
- 6.Bảo tồn Di sản lịch sử Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đôi điều suy nghĩ.TS. Nguyễn Thị Hậu- Viện Phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM- trang 36.
- 7.Duy trì bản sắc và hồn đô thị TP.HCM trong cơn lốc đô thị hóa- KTS Nguyễn Hữu Thái- trang 47.
- 8.Khảo cổ di sản đô thị gắn với bảo tồn, bảo tàng cho Sài Gòn – TP.HCM hiện tại và tương lai-TS. KTS Lưu Quang Ninh- trang 53.
- 9.Di sản kiến trúc thời Pháp thuộc ở Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh-bước đầu tiếp cận khảo cổ học đô thị- Lương Chánh Tòng (BTLS TP.HCM), Vũ Ngọc Thành (Trung tâm NC đô thị và Phát triển)- trang 58
- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ ở thành phố Hồ Chí Minh-TS. Phạm Hữu Mý– Giám đốc TT Bảo tồn và Phát huy giá trị VHLS TP.HCM – trang 73
- Mối quan hệ giữa khảo cổ học và Bảo tàng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Lịch sử văn hóa cổ (Tiếp cận từ thực tiễn Việt Nam đến Thành phố Hồ Chí Minh)- PGS Lê Xuân Diệm – trang 77.
- Cổ mộ Sài Gòn- Gia Định- Thành phố Hồ Chí Minh – Thực trạng tiềm năng & đôi lời kiến nghị – Phạm Đức Mạnh – trang 85.